Tại sao nhân viên giỏi không muốn lên chức quản lý?
“Cảm ơn, nhưng tôi không muốn trở thành quản lý”, bạn đã bao giờ nghe nhân viên nói điều này chưa? Những tưởng rằng, trên con đường sự nghiệp, ai cũng muốn được ngồi lên chiếc ghế quản lý uy quyền và có vẻ thành công. Song, đâu đó quanh đây, vẫn có nhiều người không muốn trở thành sếp. Chẳng phải vì họ không có năng lực, chỉ đơn thuần do tính cách và hướng phát triển của họ không ở đây.
1. Quản lý là gì?
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về thuật ngữ quản lý. Song, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng quản lý là người chịu trách nhiệm hoàn thành mục tiêu đề ra thông qua việc thực hiện bốn chức năng cơ bản: lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát.
2. Những tố chất để trở thành nhà quản lý thành công
Tính minh bạch: 61% người lao động cho biết việc tin tưởng người quản lý là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới sự hài lòng trong công việc.
Kỹ năng giao tiếp tốt: Những người quản lý tốt cần biết cách duy trì liên lạc, cung cấp phản hồi thường xuyên với mọi người trong nhóm. Một số nghiên cứu cho thấy, quản lý giao tiếp kém có thể làm giảm năng suất lao động của nhân viên.
Tính quyết đoán: quản lý thường xuyên phải đưa ra những sự lựa chọn khó khăn. Một người quản lý thiếu quyết đoán có thể khiến nhân viên mất niềm tin, đồng thời làm chậm bước phát triển của doanh nghiệp.
Truyền cảm hứng: Sau khi đưa ra một quyết định khó khăn, nhà quản lý cần biết cách thuyết phục những thành viên trong nhóm làm việc để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Và sự tự tin chính là yếu tố truyền cảm hứng, tạo động lực để thúc đẩy nhân viên làm việc.
Trách nhiệm: Những nhà quản lý vĩ đại hiểu rằng họ là người chịu trách nhiệm chính về hiệu suất làm việc của mọi người, bao gồm cả thành công và thất bại.
Trao quyền: Công việc chính của quản lý là đặt ra mục tiêu, đường hướng phát triển, giao nhiệm vụ và kiểm soát chất lượng làm việc của các thành viên trong nhóm. Vì vậy, quản lý cần có lòng tin và sẵn sàng trao quyền cho nhân viên.
Khuyến khích và hỗ trợ: Một nhà quản lý giỏi là người có khả năng xác định điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên và hỗ trợ họ phát triển.
Giải quyết mâu thuẫn: Nhóm là tập hợp của rất nhiều người, mỗi người một tính cách, một quan điểm sống; và người quản lý giỏi cần biết cách giải quyết mâu thuẫn khi có xung đột xảy ra.
3. Tại sao nhiều người không muốn trở thành quản lý, vì họ không thích làm việc với con người hay còn những lý do nào khác?
1. Nhân sự xem trọng sự hài lòng của bản thân hơn tiền bạc
Nhiều người không muốn trở thành Quản lý vì họ biết điểm mạnh của mình ở đâu. Họ giỏi với vai trò chuyên môn và yêu thích công việc của mình nhưng không giỏi việc giải quyết mâu thuẫn cũng như xử lý vấn đề của người khác.
Đối với những người này, lý do duy nhất để trở thành quản lý là kiếm được nhiều tiền. Và họ từ chối trở thành quản lý đơn thuần là vì họ coi trọng sự hài lòng của bản thân hơn tiền bạc.
2. Họ muốn phát triển và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình
Một người quản lý sẽ phải dành phần lớn thời gian để lập kế hoạch, quản lý, kiểm soát,… công việc của các thành viên trong nhóm. Khi đó, họ sẽ chẳng có thời gian để nâng cao tay nghề. Và điều này thật khó chấp nhận đối với những ai muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ.
3. Họ không muốn hy sinh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Trở thành quản lý đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn kèm theo công việc và trách nhiệm lớn hơn. Nếu một nhân viên chỉ cần dành 8 tiếng làm việc mỗi ngày, thì quản lý có thể mất 12 – 14 tiếng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và đó là lý do tại sao một số người từ chối trở thành quản lý. Với những người này, thay vì dành quá nhiều thời gian vào công việc để kiếm thêm tiền, họ muốn dành thời gian cho gia đình, bạn bè và những sở thích cá nhân.
4. Họ thích toàn quyền kiểm soát công việc của mình
Một trong những thách thức nhất ở vai trò quản lý là biết cách tận dụng con người, giữ cho nhân viên có động lực và hạnh phúc. Và như tôi đã đề cập đến ở phần trên, những nhà quản lý giỏi cần có kỹ năng giao tiếp tốt và biết cách tin tưởng cũng như trao quyền cho nhân viên.
Song không phải ai cũng có những tố chất đó. Nhiều người thích làm việc một mình và có quyền kiểm soát mọi thứ. Họ không thích kết quả công việc phụ thuộc vào người khác. Vấn đề này thường phổ biến ở kỹ thuật viên, lập trình viên, kỹ sư,…
5. Họ không được đào tạo và đồng hành
L. David Marquet trong cuốn sách Xoay chuyển con tàu ghi lại hành trình của tác giả từ một chỉ huy hải quân lãnh đạo con tàu USS Santa Fe, tàu ngầm hạt nhân trị giá 2 tỷ USD, đến người đổi mới mô hình quản lý “người lãnh đạo – người lãnh đạo”. Mô hình này coi mọi thành viên trong nhóm như một người lãnh đạo và đây là cách thức mô hình hoạt động.
*Trao quyền
“Khi bạn làm việc với các cá nhân để phát triển tầm nhìn của họ về tương lai…hãy thiết lập các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được” – Điều này cực kỳ quan trọng bởi trong tổ chức, một người có thể trở thành vị trí quản lý nhưng họ từ chối, điều đó rất có thể vị trí quản lý trước đây không thực sự được trao quyền mà vẫn áp dụng quy tắc giao việc từ trên xuống.
*Mô hình người lãnh đạo – người lãnh đạo
Trong mô hình “người lãnh đạo – người lãnh đạo”, mọi người đều có vai trò và trách nhiệm lãnh đạo.
Cách tiếp cận này nhằm mục đích khuyến khích sự chủ động, thúc đẩy tư duy phản biện và tạo ra những nhà tư tưởng tự chủ. Marquet mô tả điều này giống như việc biến những người phục tùng thụ động thành những người lãnh đạo tích cực, một động thái giúp tăng tính linh hoạt và khả năng phản hồi của một tổ chức hoặc một nhóm.
*Chuyển đổi văn hóa tổ chức
“Trong thế giới hiện đại của chúng ta, công việc quan trọng nhất chúng ta làm là nhận thức; vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một cơ cấu được phát triển cho công việc thể chất lại không phải là tối ưu cho công việc trí óc.”
Xoay chuyển con tàu nói về việc thay đổi cách chúng ta nhận thức và thực hiện vai trò lãnh đạo.
Việc chuyển đổi từ mô hình “người lãnh đạo – người theo sau” sang mô hình “người lãnh đạo – người lãnh đạo” đòi hỏi sự chuyển đổi sâu sắc về văn hóa tổ chức. Marquet đưa ra các chiến lược để thúc đẩy sự thay đổi văn hóa này, tạo ra một môi trường nơi mọi thành viên trong nhóm đều tham gia, cam kết và có động lực. Ông lập luận rằng sự thay đổi này mang lại năng suất cao hơn và sự hài lòng trong công việc tốt hơn.
Happy Live Team
Nguồn: jobsgo, Happy Live team sưu tầm & bổ sung
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Nghệ Thuật Lãnh Đạo Bằng Ngôn Ngữ
Bí quyết Nâng cấp tư duy lãnh đạo cùng David Marquet