fbpx

Thảm họa marketing: Silo và cú hớp trái chuối 10.000 đô la

Tiếng lóng vốn là thứ đặc sản mà bất cứ ngôn ngữ nào ít nhiều cũng có, và việc sử dụng loại từ ngữ này thường biểu hiện cho tính sành điệu hợp thời. Thế nhưng, khi áp dụng vào quảng cáo, coi chừng gậy ông đập lưng ông…

Thảm họa marketing: Silo và cú hớp trái chuối

Mỹ vốn là một quốc gia đại diện cho tinh thần tự do, và phạm trù ngôn ngữ cũng không phải là ngoại lệ. Trong các cuộc nói chuyện hằng này, người dân rất thích sử dụng tiếng lóng, và theo thời gian người ta đã chế ra hằng hà vô số ý nghĩa độc lạ cho những từ gốc ban đầu. Một luật sư (lawyer) hay được gọi là “mouthpiece”, một cô gái đẹp có thể gọi là “doll” hay “gorrila” là từ mô tả một chàng trai cơ bắp khủng.

Nếu như cả những thứ bình thường còn có tiếng lóng thì tiền – thứ mà ai cũng quan tâm sử dụng hàng ngày – sao có thể đứng ngoài cuộc chơi. Cũng giống như từ “chai” (triệu) hay “K” (nghìn) ở Việt Nam, dân Mỹ có lịch sử dùng hàng tá tiếng lóng để gọi tiền, bao gồm cả mấy từ có nghĩa gốc là trái cây (lettuce, coconuts, bananas) tùy theo vùng miền và thời thế. Và chính từ mớ trái cây mà không phải trái cây này, có một công ty đã rước họa vào thân.

Không hiểu bàn tính ra sao mà vào năm 1986, Silo – một chuỗi cửa hàng điện máy ở Mỹ – đã quyết định chạy một chương trình quảng cáo ở 23 bang giới thiệu dàn loa trị giá 299 “bananas” – tức là 299 đô la. Silo nghĩ rằng, với việc từ bananas đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc trò chuyện hàng ngày ám chỉ đồng bạc xanh, thì chuyện sử dụng trong quảng cáo nghe chất chơi mà cũng chẳng gây hại gì.

Nhưng, họ đã đánh giá quá thấp trí thông minh của khách hàng, hay nói đúng hơn là 32 khách hàng nọ.

Chẳng biết thực tình không hiểu hay cố ý chơi khăm, 32 người này đã mang đến cửa hàng Silo 299 trái chuối – nhưng là hàng thật – để đòi mua dàn loa. Và vì nội dung quảng cáo dùng từ bananas thật, nên khi nhận được yêu cầu này, các nhân viên Silo chỉ biết đứng hình. Cuối cùng, để tránh phải kiện tụng phiền phức mà cửa thua rất cao và để giữ thể diện cho công ty, giới quản lý Silo đã chấp nhận đổi 32 dàn loa để nhận về… gần 10.000 trái chuối. Ước tính giá trị 299 trái chuối thời điểm đó khoảng 40-60 đô la thì tổng cộng Silo đã lỗ khoảng 10.000 đô la cho phi vụ này.

Tất cả chỉ vì ý tưởng đột phá sành điệu của một tay copywriter nào đó.

Silo còn đứng trước tình cảnh dở khóc dở cười khi không biết xử lý mớ chuối khổng lồ kia ra sao. Hãng có ý định tặng cho sở thú địa phương nhưng vì số lượng quá nhiều nên họ chỉ tiếp nhận một phần. Số còn lại cuối cùng công ty phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để kiếm người cho tặng. Có lẽ niềm an ủi duy nhất của Silo chính là dù sao thì họ cũng được hưởng sái tí danh tiếng coi như làm branding.

Bởi mới thấy trong quảng cáo, có những thứ mạo hiểm nếu thành công thì chả tốt hơn bao nhiêu mà nếu có vấn đề gì thì…

Nguồn: Ecobladder

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề