fbpx

TikTok từ bỏ kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại trời Âu, tập trung mở rộng ở thị trường Đông Nam Á

Ứng dụng xem video ngắn hàng đầu thế giới là TikTok cho biết sẽ tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, mở nhiều đợt khuyến mãi hơn cho các thị trường như Việt Nam, Thái Lan, Philippines,…

Ứng dụng TikTok đang nỗ lực mở rộng các hoạt động liên quan tới thương mại điện tử thông qua các chiến dịch mua sắm trực tuyến ở Singapore và Malaysia, một phần của sáng kiến mở rộng tại khu vực Đông Nam Á, khi ứng dụng này phải đối mặt với sự giám sát mới đối với các chính sách bảo mật dữ liệu, đồng thời phải đấu tranh cho các chương trình bán lẻ ở những nền kinh tế phương Tây, theo South China Morning Post.

TikTok tập trung nhiều hơn cho thị trường Đông Nam Á

Nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance sẽ tiến hành chương trình khuyến mãi “Giảm giá 8/8” kéo dài một tuần để đánh dấu Ngày Quốc khánh Singapore vào ngày 9/8, theo một bài đăng vào tuần trước của TikTok Shop.

Bên cạnh các thương gia địa phương, các nhà cung cấp Trung Quốc muốn khai thác thị trường nước ngoài dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp xúc rộng rãi trong chiến dịch mới nhất của TikTok, cung cấp cho người tiêu dùng các ưu đãi như giao hàng miễn phí và phiếu giảm giá với chiết khấu lên tới 88% cho hàng hóa.

Những người bán tham gia chương trình khuyến mãi nên tổ chức các buổi phát trực tiếp bằng tiếng Anh, phục vụ cho văn hóa địa phương của người Singapore và đăng các video ngắn, gắn hashtag bắt đầu bằng ký tự #, theo TikTok.

TikTok gần đây đã khởi xướng một chiến dịch tương tự ở Malaysia. Các thương gia Trung Quốc đã được mời tham gia chương trình khuyến mãi kéo dài 12 ngày. Theo người đại diện TikTok, người bán nên sử dụng các hashtag để tăng lưu lượng truy cập trực tuyến cho các sản phẩm liên quan tới ngành thời trang, gia dụng, mỹ phẩm và hàng điện tử. Họ cũng được hưởng lợi từ chi phí vận chuyển thấp hơn và phiếu giảm giá từ TikTok để phát trực tiếp ít nhất một giờ mỗi ngày trong suốt chương trình.

TikTok Shop, ban đầu được ra mắt tại Indonesia và Anh vào đầu năm ngoái, hiện đã mở rộng sang Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Điều đó đã khiến Đông Nam Á trở thành vùng phủ sóng lớn nhất cho các hoạt động thương mại điện tử của TikTok.

Xoay trục mảng kinh doanh thương mại điện tử

Động thái này phản ánh cách TikTok kỳ vọng xoay trục mảng thương mại điện tử của mình sang khu vực khác, đặc biệt là tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi TikTok có nhiều lợi thế hơn so với kinh nghiệm của nền tảng này tại các thị trường phương Tây.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 và chiếm 18% tổng giá trị hàng hóa giao dịch của khối vào năm 2019, theo Ban Thư ký ASEAN.

Lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của quốc gia này cũng đã có sự tăng trưởng bùng nổ kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 vô tình trở thành yếu tố thúc đẩy cho lĩnh vực này. Xuất khẩu của Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng 40,1% hàng năm vào năm 2020 và 15% vào năm 2021, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.

Trong khi đó, TikTok đã từ bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Mỹ và các thị trường lớn ở châu Âu như Đức, Pháp và Ý, sau khi sáng kiến ​​tại Anh không đạt được mục tiêu, theo một báo cáo tháng trước của Financial Times.

TikTok vướng phải nhiều rắc rối liên quan tới vấn đề bảo mật

Tháng 6, TikTok cũng đã bị các nhân viên tại văn phòng chi nhánh London của nền tảng truyền thông xã hội ByteDance cáo buộc về khối lượng công việc quá sức, cũng như vướng phải lùm xùm từ nhận định của một lãnh đạo về chế độ nghỉ thai sản.

Tuy nhiên, các hoạt động bán lẻ trực tuyến của TikTok Shop ở Anh dự kiến ​​sẽ được giữ. Trong một bài đăng trên WeChat vào tháng trước, TikTok Shop đã quảng cáo chiến dịch bán hàng thành công của mình tại quốc gia này trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 3/7.

Bài đăng đó cũng cho biết TikTok Shop sẽ tham gia vào các chương trình khuyến mãi bán lẻ sắp tới ở Anh, bao gồm Black Friday vào tháng 11 và mùa mua sắm Giáng sinh vào tháng 12.

TikTok, ứng dụng hiện có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây đối với các hoạt động bảo mật dữ liệu. Ngày càng có nhiều lời phàn nàn hơn từ các chính trị gia, cơ quan truyền thông và cơ quan nghiên cứu, một mức độ chưa từng thấy kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các nỗ lực với dụng này.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà sẽ thắt chặt các quy định với các doanh nghiệp Trung Quốc như TikTok nếu được bầu làm lãnh đạo. Brendan Carr, một thành viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, vào tháng 6 cũng đã công khai yêu cầu Apple và Google xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ vì lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Tháng trước, công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia đã cáo buộc TikTok thu thập một lượng dữ liệu người dùng “quá lớn”. Các nhà nghiên cứu từ công ty cho biết ứng dụng đã kiểm tra vị trí thiết bị của người dùng ít nhất một lần mỗi giờ, hay liên tục tìm kiếm quyền truy cập vào danh bạ ngay cả sau khi người dùng từ chối các yêu cầu trước đó.

Tháng 6, một CEO TikTok chi nhánh Singapore, Chew Shou Zi, đã viết thư cho 9 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa để chỉ ra cách ứng dụng giải quyết các mối lo ngại về bảo mật dữ liệu. Trước đó, TikTok cho biết họ đã hoàn tất việc di chuyển thông tin về người dùng Mỹ sang máy chủ của công ty công nghệ Mỹ Oracle Corp.

Hoài An

Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH MARKETING – BÁN HÀNG ĐỈNH CAOBí quyết marketing bán hàng đỉnh cao

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề