fbpx

Tuyệt học võ công của môn phái ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ

Công thức thành công của đầu tư giá trị không có gì phức tạp, bạn định giá cổ phiếu rồi cố gắng mua ở mức giá nhỏ hơn nhiều giá trị đó. Phương pháp NetNet định giá doanh nghiệp chủ yếu dựa trên giá trị tài sản hữu hình còn phương pháp GoodGood định giá doanh nghiệp chủ yếu dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Phương pháp GoodGood có 2 bước chính là (1) Xác định công ty tốt – good company và (2) Xác định mức giá hợp lý – good price.

Tuyệt học võ công của môn phái ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ

Tổng quan về phương pháp GoodGood – Mua công ty tốt với giá hợp lý

Trong bài giới thiệu về phương pháp NetNet – Điếu xì gà hút dở, chúng tôi có phân tích nhược điểm của chiêu thức này là giá trị của netnet stocks thường giảm dần theo thời gian nên nếu cổ phiếu càng mất nhiều thời gian để trở về giá trị thực thì cũng có nghĩa là ROI của nhà đầu tư càng giảm. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu một chiêu thức đầu tư giá trị ở tầng cao hơn(và khó thực hiện hơn) khắc phục được nhược điểm đó là GoodGood. Cái tên GoodGood (do chúng tôi tự đặt) thể hiện triết lý của phương pháp này đó là “Buy good companies at good price” tức là “Mua công ty tốt với giá hợp lý”. Tại các thị trường chứng khoán phát triển như US và EU, hầu hết các nhà đầu tư giá trị đều đang sử dụng phương pháp (chiêu thức) này, một phần là do không còn nhiều netnet stocks.

Nhìn lại một chút về lịch sử của NetNet và GoodGood. Trải qua đại khủng hoảng năm 1929, Graham rút ra kinh nghiệm chỉ đầu tư vào NetNet stocks, những cổ phiếu có tài sản hữu hình bảo lãnh. Warren Buffett chịu ảnh hưởng lớn từ người thầy Graham nên những năm đầu sự nghiệp ông cũng chủ yếu mua các cổ phiếu có thị giá nhỏ hơn tài sản hữu hình (PB < 1). Tuy nhiên dần dần Warren Buffett phát hiện ra rằng ông có thể mua các cổ phiếu có PB > 1 mà vẫn rẻ, đó là vì ông nhìn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Lấy ví dụ, một cửa hàng tạp hóa có tài sản hữu hình có giá trị 100 triệu, nhưng hàng năm tạo ra lợi nhuận sau thuế 50 triệu thì chúng ta có thể mua cửa hàng đó với giá 150 triệu(PB=1.5, PE=3) và đây là rõ ràng là một thương vụ tốt. Sau này Buffett đẩy tuyệt chiêu này lên một đẳng cấp cao hơn khi ông có thể mua một cổ phiếu (Coca cola) với PE=15 mà vẫn thu được lợi nhuận lớn. Buffett gọi đó là “Buy a wonderful company at fair price” tức là “mua công ty cực tốt với giá hợp lý”. Các cao thủ đầu tư giá trị xếp tuyệt chiêu này ở tầng thứ 3 – tầng cao nhất của môn phái đầu tư giá trị. Tuy nhiên chúng ta hẵng tạm bàn chuyện đó sau và tập trung vào level thấp hơn là GoodGood – good company at good price.

Mức lãi kép 54,3% trong vòng ba năm đã làm tăng 1,02 tỷ đô la từ số vốn ban đầu nhanh chóng lên thành 3,75 tỷ đô la biến khoản đầu tư vào Coca-Cola được xem là một trong những thành tích vang dội của Warren Buffett.
Mức lãi kép 54,3% trong vòng ba năm đã làm tăng 1,02 tỷ đô la từ số vốn ban đầu nhanh chóng lên thành 3,75 tỷ đô la biến khoản đầu tư vào Coca-Cola được xem là một trong những thành tích vang dội của Warren Buffett.

Công thức thành công của đầu tư giá trị không có gì phức tạp, bạn định giá cổ phiếu rồi cố gắng mua ở mức giá nhỏ hơn nhiều giá trị đó. Phương pháp NetNet định giá doanh nghiệp chủ yếu dựa trên giá trị tài sản hữu hình còn phương pháp GoodGood định giá doanh nghiệp chủ yếu dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Phương pháp GoodGood có 2 bước chính là (1) Xác định công ty tốt – good company và (2) Xác định mức giá rẻ – good price.

Vậy chúng ta định nghĩa thế nào là công ty tốt?

Trong thư viết cho cổ đông năm 2007 của Warren Buffett, có một phần rất hay là: “Business – The Great, the Good and the Gruesome”. Trong phần này Buffett chỉ ra sự khác nhau giữa các kiểu kinh doanh(business) – tuyệt vời, tốt và tệ hại. Theo Buffett, “great business” không những phải có có tỷ suất sinh lời cao trên vốn đầu tư mà còn phải có con hào kinh tế – Moat  để bảo vệ tỷ suất sinh lời này. Tại sạo lại cần “con hào kinh tế”, đó là vì trong thị trường cạnh tranh, nơi nào có tỷ suất sinh lời cao sẽ có người đến cạnh tranh, đánh chiếm để tìm kiếm lợi nhuận. Chẳng khác nào người con gái đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” thì tất nhiên sẽ có nhiều người theo đuổi, thậm chí là tranh cướp. Bạn muốn giữ nàng thì tốt nhất là nên có một pháo đài vững chắc với “tường cao và hào sâu”. Thông thường, trải qua một thời gian canh tranh thì tỷ suất sinh lời sẽ trở về mức trung bình của thị trường, có rất ít business giữ vững được tỷ suất sinh lời cao trong một thời gian dài.

Thêm nữa, theo Buffett “great business” thu được kết quả tuyệt vời mà không cần tới một người quản lý tài năng đặc biệt. Lấy ví dụ, một quán cafe có lượng khách rất đông, lợi nhuận rất lớn vì có một cô chủ vô cùng xinh đẹp, hấp dẫn và tài năng. Quán Cafe này không hẳn là một “great business” vì nếu cô chủ này rời quán thì lợi thế cạnh tranh của quán này không còn nữa.

Ví dụ về “great business”

Warren Buffett có đưa ra một ví dụ cụ thể về “great business” là See’s Candies – công ty chuyên sản xuất kẹo chocolate. Khách hàng luôn hạnh phúc hơn khi mua sản phẩm từ See. Họ mua một thanh kẹo của See về tặng cho người thân và họ luôn nhận được những nụ hôn. Do đó lần sau họ sẽ tiếp tục mua sản phẩm từ See dù có đắt hơn một chút. Buffett cho rằng đây là lợi thế cạnh tranh bền vững của See.

Năm 1972, khi công ty của Buffett bắt đầu mua See’s Candies, doanh số bán hàng của See là 16 triệu pounds, đến năm 2006, doanh số của See là 31 triệu pounds. Như vậy mức tăng doanh số hàng năm chỉ là 2%. Buffett mua See năm 1972 ở mức giá 25 triệu đô. Tại thời điểm đó doanh thu bán hàng của See là 30 triệu đô, lợi nhuận trước thuế là 5 triệu, và công ty cần 8 triệu để hoạt động. Tỷ suất sinh lời trước thuế là 5/8 ~ 60%. Buffett mua ở mức giá bằng 5 lần lợi nhuận trước thuế.

Thương vụ mua lại See’s Candies năm 1972 được coi là một thương vụ đầu tư thành công của Warren Buffett và Charlie Munger.

Năm 2006, doanh thu bán hàng của See là 383 triệu đô, lợi nhuận trước thuế là 82 triệu và công ty cần 40 triệu để hoạt động kinh doanh bình thường. Như vậy trong 34 năm, Buffett chỉ cần tái đầu tư 32 triệu để công ty tiếp tục hoạt động, tăng trưởng bình thường. Trong khoảng thời gian này, bạn có biết See đã tạo ra bao nhiêu tiền cho Buffett? 1.35 tỷ đô. Trong 1.35 tỷ đô này, sau khi trả thuế và tái đầu tư 32 triệu, Buffett tiếp tục đem đi mua “great business” khác như Coca cola, Gillette, etc. Và cứ như vậy, như một “hòn tuyết lăn”, Buffett không ngừng nhân lên số tiền cho các cổ đông của Berkshire Hathaway.

Đó là “great business”, vậy còn “good business” thì sao?

Buffett đưa ra một ví dụ về “good business” là công ty FlightSafety – công ty cung cấp dịch vụ huấn luyện bay. Lợi thế cạnh tranh của FlightSafety là cung cấp dịch vụ huấn luyện bay tốt nhất cho khách hàng. Và khách hàng thì luôn mong muốn được huấn luyện tốt nhất giống như khi phẫu thuật thì bệnh nhân luôn muốn vị bác sỹ giỏi nhất phẫu thuật cho mình.

FlightSafety
FlightSafety

Warren Buffett mua công ty này năm 1996 ở mức giá 507 triệu đô, lợi nhuận trước thuế của công ty là 111 triệu, giá trị tài sản cố định của công ty là khoảng 570 triêu. Ta tạm tính tỷ suất sinh lời trước thuế của công ty trên tài sản cố định là: 111/570 = 19.5% (khá thấp so với See). Buffett mua công ty này ở mức giá khoảng 4.6 lần lợi nhuận trước thuế(thấp hơn khi mua See’s Candy).

Đến năm 2007, lợi nhuận trước thuế của FlightSafety là 270 triệu, lượng tài sản cố định 1079 triệu. Trong khoảng thời gian 11 năm này, khấu hao tài sản cố định của FlightSafety là 923 triệu nhưng thực tế Buffett phải tái đầu tư vào đây 1635 triệu đô vào tài sản cố định để giữ vững sự tăng trưởng. Tức là Buffett phải trích ra 1635 – 923 = 712 triệu đô từ lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Ta tạm tính thuế suất ở Mỹ là 40%, như vậy Buffett phải tái đầu tư 712/0.6 = 1186 triệu trước thuế.

Tôi không có số liệu về tổng lợi nhuận trước thuế mà FlightSafety đã tạo ra trong khoảng thời gian này. Giả sử ta lấy trung bình lợi nhuận trước thuế 2 năm 1996 và 2007 rồi nhân với 11 thì sẽ tính được tổng lợi nhuận tạo ra: (111 + 270)/2 x 11 = 2095 triệu đô. Sau đi trừ đi chi phí tái đầu tư trước thuế 1186 triệu, Buffett chỉ còn lại 908 triệu đô(trước thuế) để đem đi mua great business khác. Đây vẫn là một thương vụ tốt nhưng rõ ràng FlightSafety không thể so sánh với See’s Candies về khả năng kiếm tiền. FlightSafety là dạng business “cho ăn nhiều, thì thu hoạch nhiều” còn See’s Candies là dạng business “cho ăn ít nhưng thu hoạch vẫn khủng”.

Kiểu bussiness “ăn hại”

Kiểu bussiness tệ hại nhất là loại tăng trưởng nhanh, cần nhiều vốn để phục vụ quá trình tăng trưởng rồi sau đó tạo ra rất ít hoặc không có khả năng tạo ra tiền. Buffett đưa ra ví dụ về nghành hàng không. Đây là nghành tăng trưởng nhanh, luôn luôn cần nhiều vốn để tái đầu tư(nâng cấp, mua sắm máy bay) nhưng sau đó lại tạo ra rất ít lợi nhuận.

Kết luận

Warren Buffett so sánh 3 kiểu business giống như 3 loại tài khoản tiết kiệm. Loại tuyệt vời nhất trả lãi suất rất cao và đồng thời lãi suất này sẽ tăng lên hàng năm. Loại tốt bình thường trả lãi suất hấp dẫn và trả cả lãi suất này cho phần tiền gửi thêm của bạn. Loại tài khoản tệ hại nhất không những trả lãi suất thấp lại còn bắt chúng ta liên tục gửi thêm tiền vào tài khoản này. 

Nguồn: vfpress

Xem lại Phần 1: Phương pháp đầu tư Điếu xì gà hút dở của Benjamin Graham

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề