Vòng tròn năng lực là gì? Cách áp dụng ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo bạn thì đâu là nhân tố quan trọng để đầu tư thành công? Một người thông minh với chỉ số IQ cao? Hay một người uyên bác, có thể kể cho bạn tất cả những câu chuyện hay ho về bất kỳ doanh nghiệp nào? Tôi đã từng rất ngưỡng mộ những “tiền bối” với nhiều thông tin về doanh nghiệp được họ kể lại, như thể chính họ là người nội bộ của công ty vậy. Tuy nhiên sau quãng thời gian lăn lộn trên thị trường chứng khoán, tôi nhận ra rằng: Những người thông minh nhất, với những mô hình định giá phức tạp, lại bị những người kiên nhẫn nhất đánh bại.
Những người thông tin gì cũng thạo, nhưng khi định giá 1 trường hợp cụ thể, lại phân tích rất thiếu chiều sâu. Có rất nhiều người chia sẻ rằng họ rất muốn tham gia thị trường chứng khoán. Nhưng lại cảm thấy lo lắng bởi đang làm trong lĩnh vực khác không liên quan như: Kỹ thuật, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, nếu bạn biết cách khai thác thế mạnh riêng của mình, tôi tin rằng bạn sẽ thành công không kém gì những nhà đầu tư giỏi nhất.
Thật vậy!
Chính Warren Buffett cũng nhắc tới vấn đề này trong thư gửi cổ đông năm 1996, ông gọi nó là Vòng tròn năng lực (Circle of competence).
Hãy cùng Happy Live tìm hiểu thật kỹ chủ đề thú vị này nhé.
Vòng tròn năng lực là gì
Vòng tròn năng lực là sự kết hợp của kỹ năng, khả năng phán đoán và vốn kiến thức của bạn tích lũy trong khoảng thời gian nhất định.
Theo ông:
“Tùy vào sở thích và công việc của mỗi người, họ sẽ có 1 vòng tròn năng lực riêng. Điều quan trọng không phải là phạm vi của vòng tròn (biết nhiều ngành nghề) mà là ranh giới của chúng”. Bạn chỉ đứng trong ranh giới để lựa chọn những cổ phiếu mà mình am hiểu nhất.
Mức độ am hiểu ở đây đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn cổ phiếu. Nó là sự khác biệt giữa bạn với bất kỳ ai trên thị trường chứng khoán, và cũng là cội nguồn của khá nhiều tranh cãi qua lại về giá trị cổ phiếu…
Vòng tròn năng lực ảnh hưởng tới định giá doanh nghiệp
Chính vòng tròn của bạn, sẽ giúp đánh giá một tài sản (cổ phiếu) đáng giá hay không.
Hãy thử hình dung nếu bạn giao bán một chiếc đồng hồ cổ hiệu Blancpain (tuổi đời hơn 300 năm) cho một anh thanh niên…Liệu anh có muốn mua chiếc đồng hồ cũ, không có các tính năng hiện tại như thay đổi múi giờ, ngày tháng thay vì một chiếc G – Shock trẻ trung không?
Nhưng cũng với chiếc đồng hồ đó, viện bảo tàng hay giới sưu tầm sẵn sàng trả bạn cả triệu $.“Anh thanh niên” hay “bảo tàng” chỉ là hình ảnh của hàng triệu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Vòng tròn năng lực khác nhau sẽ giúp mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nhìn ra được giá trị thực của cổ phiếu. Nói các khác, nếu bạn chưa hiểu sâu về cổ phiếu, bạn sẽ rất dễ mắc phải sai lầm bán những cổ phiếu có giá trị “kim cương” để đổi lấy những cổ phiếu có giá trị không hơn “cốc trà đá”.
Một ví dụ khác:
Bạn và tôi đều có thể dễ dàng hình dung ra được những công việc hằng ngày của một cửa hàng tạp hóa.
Từ khâu mua hàng của các đại lý phân phối, thuê nhân viên, trang trí lại cửa hàng và bán lại cho người tiêu dùng,… Tới khâu bán hàng, lợi nhuận của công ty sẽ phụ thuộc vào sức mua, số lượng dân cư quanh đó hoặc chính sách chiết khấu của đại lý.
Tuy nhiên với những ngành có tính chuyên biệt hóa cao như công nghệ thông tin, y tế thì việc này lại không dễ dàng.
Những thuật ngữ như IoT, chuyển đổi số, 5G, AI,… mới tìm hiểu qua thì thật dễ dàng, nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp tới đâu? Cụ thể hóa thành doanh thu như thế nào?
Quả thực quá khó đối với những người chưa nắm vững những thông tin chuyên ngành.
Trở lại với lĩnh vực đầu tư.
Sẽ có những thời điểm thị trường quá nóng, media dồn dập đưa những thông tin rất kêu tai như: Cách mạng chuyển đổi số, hay hợp tác với đối tác chiến lược ra mắt dòng sản phẩm mới,…
Giá cổ phiếu được kỳ vọng đẩy lên rất cao.
Tuy nhiên chính bạn, nhân viên của công ty lại chẳng cảm nhận được sự khác biệt. Thậm chí sản phẩm mới lại không hiệu quả như kỳ vọng. Vòng tròn năng lực lúc này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn những nhà đầu tư khác, khi họ chỉ đọc qua loa những dự phóng trên Internet. Bạn thực sự là chuyên gia trong vòng tròn của mình, nhưng lại là gã khờ trong khi đứng ngoài ranh giới…
Vậy tại sao chúng ta không tập trung làm thứ mình giỏi nhất? Chỉ khi nào tích lũy đủ kiến thức, bấy giờ suy nghĩ tới việc mở rộng vòng tròn của bạn cũng chưa muộn.
Mở rộng vòng tròn năng lực
Sàn Hose hiện tại được phân loại theo chuẩn phân loại quốc tế GICS (Global Industry Classification Standards):
Có khoảng 10 lĩnh vực, 24 nhóm ngành, 68 ngành, 154 tiểu ngành khác nhau. Với số lượng các ngành tương đối lớn, bạn sẽ phải tiếp thu khối lượng kiến thức không hề nhỏ.
Việc tiếp thu, nghiền ngẫm và thực sự hiểu một ngành mới sẽ mất kha khá thời gian.
Chẳng vậy mà dù đã bùng nổ từ những năm 1990 nhưng phải tới gần 20 năm sau (năm 2011), Warren Buffett mới sở hữu cổ phiếu công nghệ tiên là IBM.
Bài học từ Warren Buffett và những cổ phiếu công nghệ
Một trong những minh chứng tiêu biểu cho từ “ranh giới”, chính là cách Warren đã bỏ mặc những cổ phiếu công nghệ trong một khoảng thời gian dài.
Trở lại những năm cuối thế kỷ XX…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, với mạng Internet và tự động hóa đã làm thay đổi cách vận hành cả thế giới.
Ví dụ như Priceline với giải pháp đặt vé máy bay online, Etoys hay Pets.com với giải pháp bán hàng online…
Nghe thật đơn giản ở thời điểm hiện tại, nhưng đây là bức đột phá vào thời điểm đó. Chính nhờ những đặc tính tiện lợi, dễ dàng quản lý và kinh doanh không biên giới đã giúp những công ty này tăng trưởng cả chục lần trong những năm đầu tiên.
Giá cổ phiếu nhanh chóng bị đẩy lên mức phi lý, thậm chí có thời điểm chỉ cần nghe tới cổ phiếu có cụm .com là nhà đầu tư sẵn sàng vung tiền sở hữu.
Thật không dễ dàng khi bạn chứng khiến những cổ phiếu tăng hàng chục, hàng trăm lần ngay trước mũi mình.
Tuy nhiên…
Châm ngòi bởi nhiều biến cố vào năm 2000 – 2001, những cổ phiếu công nghệ vốn được đẩy giá lên quá cao và gần như không có chút tài sản thực tế nào, giờ đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chỉ trong vòng 2 năm, tới tháng 10/2002 chỉ số Nasdaq đã bốc hơi 80% giá trị so với đỉnh hồi tháng 3/2000.
Rất nhiều công ty công nghệ đã phá sản, một số ít tồn tại và thành công tới tận bây giờ.
Chính nhờ triết lý đầu tư đơn giản, đứng yên trong vòng tròn năng lực của mình đã giúp Warren Buffett tránh được nạn đầu cơ các công ty công nghệ năm 2000 (Dot com bubble).
Dù rằng sau này, chính WB cũng thừa nhận đã để lỡ nhiều cơ hội để tích lũy những cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh tuyệt vời như Apple, Microsoft hay Amazon…
Ông chia sẻ lại rằng:
“Tôi không hiểu gì về chúng cả, quá khó để dự phóng doanh thu trong tương lai.”
Nghe thật đơn giản nhưng thật không nhiều người làm được việc này?
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, chẳng phải vừa qua mọi người vẫn cực kỳ hứng thú với những cổ phiếu “hot” như: Thủy sản, dệt may hay đất khu công nghiệp mà quên đi tính ổn định của chúng sao?
Tôi tin rằng trong mỗi chúng ta sẽ đều có một vòng tròn năng lực riêng, đừng ngần ngại sử dụng chúng để tìm được nhưng cổ phiếu tuyệt vời.
Bạn hoàn toàn có thể “đánh bại” Warren Buffett nếu am hiểu:
- Thương mại điện tử, Amazon đã có mức sinh lời 27%/năm (2005 – 2020)
- Apple với mức sinh lời 29%/năm (2005 – 2020).
Nếu bạn chưa có đủ vốn hiểu biết để bắt đầu một ngành ngành mới…
…hãy cứ bình tĩnh chờ đợi, như cách Warren Buffett chờ đúng 40 năm mới ra quyết định đầu tư vào Apple (năm 2016) vậy.
Không có gì là quá muộn cả, chỉ cần bạn xác định được những doanh nghiệp tốt, bạn đủ hiểu, đủ tự tin để sẵn sàng cầm chúng qua giai đoạn khó khăn.
Nhất định doanh nghiệp đó sẽ được “ngài thị trường” trả lại mức giá hợp lý.
Nguồn: govalue
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z