fbpx

1 đồng bạc lẻ và cách mì Maggi chuyển bại thành thắng

Dân tình ở Ấn Độ vốn rất quen thuộc với loại mì gói ăn liền Maggi – một sản phẩm của hãng Nestle. Vốn bám rễ từ rất lâu cùng với hương vị đặc trưng quen thuộc, đây là một sản phẩm rất được ưa chuộng của tín đồ mì gói nói riêng và những người muốn ăn uống tiết kiệm nói chung.

1 đồng bạc lẻ và cách mì Maggi chuyển bại thành thắng

Giá của mì Maggi gói 100g suốt một thời gian dài được bán với mức giá 10 Rs (tương đương khoảng 3.300 VNĐ), một con số dễ nhớ, một mệnh giá tiền phổ biến trong túi mọi người.

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng khó khăn, chi phí sinh hoạt và sản xuất theo thời gian không thể mãi đứng yên cho được. Thế là, một ngày xấu trời nọ, Nestle quyết định tăng giá mì Maggi gói 100g lên thành 11 Rs.

1 Rs thực ra cũng không phải con số to lớn gì cho cam. Tuy 1 so với 10 thực sự tăng đến 10%, nhưng khi so sánh con số thực, 1 Rs chả phải số tiền quá to tát mà dân Ấn Độ không thể chi trả được, huống hồ đây còn là loại mì họ yêu thích.

Đó đích thị là suy nghĩ của những người phụ trách mì Maggi của Nestle. Thế nhưng, mọi suy nghĩ thường trông hết sức hợp lý cho đến khi nó đi vào thực tế. Cái ngày mà giá mì Maggi ở các cửa hiệu Ấn Độ tăng lên 1 đơn vị, cũng là cái ngày mà doanh số của nó bắt đầu chứng kiến đà tụt dốc không phanh.

Sau cơn hoang mang ban đầu, Nestle định thần lại tiến hành một cuộc khảo sát và lý do mà họ thu được từ khách hàng hết sức vi diệu. Hóa ra, vấn đề không phải do dân tình thấy mắc mà họ không mua, phiền phức nằm ở chỗ: Thay vì lúc trước chỉ cần mang số tiền mệnh giá chẵn tròn vừa vặn là 10 Rs đi mua mì, giờ họ phải thủ thêm 1 đồng Rs lẻ nữa.

1 đồng lẻ đúng là không đáng là bao nhưng tính lắt nhắt kiểu thiếu tiền lẻ hay khó kiếm tiền thối của nó thì đúng thật không thể xem thường. Thay vì thế, khách hàng giờ đây chuyển sang mua các loại mì khác giá 10 Rs cho khoẻ thân!

Nắm bắt được mấu chốt đó, Nestle quyết định thay vì nâng giá lên 1 Rs, giờ đây hãng sẽ thay đổi giá mì Maggi về mức 10 Rs như cũ, nhưng kèm với đó là bớt đi khối lượng gói mì chỉ còn 95 gam. Khách hàng có thể chú ý vấn đề này – có thể là không – nhưng với việc mức giá quay về con số đẹp như cũ, họ vui vẻ quay lại mua mì Maggi.

Được nước làm tới, theo thời gian, khi vật giá leo thang, mì Maggi vẫn luôn trung thành với con số 10 Rs, chỉ có điều khối lượng thực của nó giảm dần từ 95 xuống 90, rồi 85, 80 và hiện tại chỉ còn… 70 gam.

Cái giá phải trả cho mức giá chung tình 10 Rs theo thời gian chính là 30% khối lượng biến mất. Nhưng không sao, khách hàng vẫn vui vẻ mua, công ty vẫn bán được hàng và Maggi vẫn là thương hiệu mì khắc cốt ghi tâm. Suy cho cùng, khách hàng vốn vẫn hành xử phi lý một cách hợp lý như thế.

Nguồn: ecoblader

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề