Tránh cạm bẫy “chiếu tướng” các thương vụ đầu tư bằng cách học chiến lược đánh cờ
Bridge, đánh cờ không phải là bộ môn tiêu khiển, giết thời gian đơn thuần. Đối với các nhà đầu tư trứ danh như Warren Buffett hay Guy Spier thì đây là bộ môn đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư.
(*) Bài viết được trích từ sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“ – Guy Spier. (Đặt sách tại đây)
Bridge không phải trò chơi duy nhất thu hút trí tưởng tượng của tôi hay rèn giũa thói quen tinh thần của tôi. Tôi còn tái khám phá niềm vui thú khi chơi cờ, một trò chơi phân tích và nhận diện các khuôn mẫu (pattern). Lần đầu tiên tôi đem lòng yêu cờ khi còn học ở Harvard, nhờ ơn anh bạn cùng học Mark Pincus, người sau này sáng lập Zynga, một công ty giải trí xã hội đã biến anh thành một tỉ phú. Trở lại thời sinh viên của chúng tôi, Mark chú ý đến một bộ cờ không ai động đến ở ký túc xá và rủ tôi cùng chơi. Cậu ấy dập tôi tơi bời. Thế là tôi mua cả đống sách cờ và chúng tôi tiếp tục chơi với nhau. Dần dần tôi chơi tốt hơn và bắt đầu gỡ lại được.
Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành thành viên của câu lạc bộ cờ Manhattan và chơi cờ dạo ở công viên để thoát khỏi ám ảnh công việc tại D. H. Blair. Nhưng bộ não hỗn độn của tôi không đủ tĩnh, nên tôi chưa bao giờ vượt qua được ngưỡng “đánh cũng được được”.
Ngày xưa, tôi chưa có ý niệm vì sao cờ lại hữu ích mà không đơn thuần chỉ là vui thôi. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra rằng có những lợi ích chiến lược thực sự khi hiểu cách thức vận hành của trò chơi này. Lấy ví dụ, trong môn cờ, có những thế cờ gồm các cạm bẫy và sai lầm dẫn dụ các tay chơi nhẹ dạ mắc bẫy mà bị chiếu tướng, thường là chỉ trong vài nước đầu. Ban đầu, khi lọt bẫy, tôi thấy tức giận với đối phương của mình. Thắng như thế dường như chẳng quang minh chính đại tí nào. Rồi tôi lại tức giận với chính mình vì không nhận ra những cái bẫy được giăng ra chờ mình bước vào. Nhưng khi học hỏi thêm về cờ, tôi ít bị mắc những sai lầm cơ bản hơn. Trò chơi đầu tư cũng đầy những cạm bẫy như thế. Ví dụ, kế toán là lãnh địa đầy những cạm bẫy. Các công ty thường xào nấu các quy luật kế toán để trình diễn các con số một cách rất hấp dẫn – và nhà đầu tư cả tin thường dễ bị phỉnh rằng công ty này ít nguy hiểm hơn thực tế.
Vào cuối những năm 90, tôi phân tích một công ty bán bảo hiểm pháp lý. Giống các công ty bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm này do các môi giới bán ra để nhận về khoản hoa hồng béo bở. Điều chính yếu là phân tích xem công ty thực sự lời bao nhiêu bằng cách tính chính xác tốc độ thanh toán chi phí tìm kiếm khách hàng. Điều này lại được quyết định bởi thời gian khách hàng còn tiếp tục thanh toán tiền bảo hiểm sau khi ký hợp đồng. Theo ý kiến cá nhân tôi, các báo cáo của công ty trình bày một bức tranh quá rực rỡ về điều này, do đó viễn cảnh của nó vẽ ra cũng sai lệch. Điều này là một khoảnh khắc “à há” với tôi, kế toán đóng vai trò như một cú “chiếu tướng” khi chơi cờ vậy. Thế là tôi tống khứ hết cổ phiếu này đi, sau đó thì công ty cũng đang lao đao, vướng vào kiện tụng và gây thất thoát cho nhiều người ngoại trừ những người bán khống, những người đã đặt cược công ty sẽ tiêu tùng dựa trên báo cáo kế toán đầy nghi vấn.
Tôi còn thấy chơi cờ có một lợi ích khác nữa. Trước kia, tôi hay gặp phải những người chơi mà tôi gọi là ngáo – một thuật ngữ nhạo báng dành cho các tay chơi cờ đưa ra quyết định nhanh dựa vào cảm xúc thay vì phân tích kỹ lưỡng. Họ hoặc không thể, hoặc không có ý định phân tích ván cờ một cách cẩn thận. Thoạt tiên, tôi thường thua mấy tay ngáo này. Các nước cờ của họ không thể nào dự đoán nổi khiến tôi khó chịu và mất bình tĩnh. Nhưng khi tôi chơi giỏi hơn, tôi trở nên có kỷ luật hơn, hình thành nên thành trì tinh thần để giữ bình tĩnh và cẩn trọng ngay cả khi đối thủ của tôi chơi theo lối phóng túng.
Trong thị trường tài chính, rất nhiều nhà đầu tư – cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp – cố tìm cách ăn dày, đặt cược vào mọi thứ từ cổ phiếu công nghệ hay những thương vụ IPO được thổi phồng quá mức. Đôi khi những ván cược này cũng đem lại kết quả ngoạn mục, kích thích những nhà đầu tư khác lao vào làm theo những nước cờ ngáo ngơ ấy. Nhưng, cũng như trong môn cờ, tôi nhận thấy cách làm tối ưu vẫn là giữ vững kỷ luật và theo một chiến lược cẩn thận đem lại cơ hội thành công dài hạn cao hơn. Vào năm 2009, khi các nhà đầu tư của tôi thoái vốn khỏi cổ phiếu, họ một lần nữa thực hiện một nước cờ ngáo điển hình. Đối thủ của tôi trong trò chơi ấy không phải một tay chơi cờ ngu ngốc mà là sự điên rồ của Ngài Thị Trường. Tôi biết rằng tôi đơn thuần phải giữ bình tĩnh và sử dụng cơn điên ấy làm lợi thế bằng cách mua vào những cổ phiếu mà các tay ngáo bán ra.
Tôi cũng ấn tượng với câu phương châm đáng nhớ của một nhà vô địch môn cờ, Edwark Lasker. Ông nói, “Khi bạn thấy một nước cờ hay, hãy tìm nước hay hơn”. Áp dụng tinh thần này vào cổ phiếu, tôi chỉnh sửa phương châm của ông, và thường tự nhủ, “Khi bạn thấy một thương vụ đầu tư tốt, hãy tìm thương vụ tốt hơn.” Quả thực, như Munger đã chỉ ra, có một xu hướng chung để thích một ý tưởng nào đó – cho dù là một nước cờ hay một vụ đầu tư – vì nó là thứ đầu tiên nảy ra trong đầu ta. Nhưng liệu nó có thật sự vượt trội? Môn cờ nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm nước đi hay hơn cho dù não đã thỏa mãn với ý tưởng ban đầu. Chơi cờ cũng làm mạnh cơ bắp tinh thần này.
Cùng thời gian ấy, tôi rút ra một bài học nền tảng khác từ chuyến du hành nghiệp dư, tài tử của tôi vào thế giới bài bridge và cờ. Vâng, đúng thật là những trò chơi này đã dạy tôi những bài học chiến lược hữu ích và những thói quen tinh thần, đồng thời củng cố hiểu biết của tôi rằng kiểm soát cảm xúc là một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu. Nhưng những trò chơi ấy cũng dạy tôi một sự thật đơn giản hơn: sau quá nhiều năm sống nghiêm túc cực kỳ, tôi cần có một thái độ sống vui vẻ và hào hứng hơn. Nên thay vì xem mọi thứ – bao gồm cả công việc – là một cuộc đối đầu sinh tử, tôi bắt đầu tiếp cận với một tinh thần khác hẳn, xem mọi thứ như một trò chơi.
Tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng Mark Pincus đã có thái độ này từ lâu lắm rồi. Là một người yêu mọi thể loại trò chơi, cậu tự nhiên xem cuộc sống là một trò chơi, và thái độ vui vẻ hào hứng của Mark là một lý do không thể tách rời của thành công của cậu ta. Sau khi rời Harvard, rất nhiều bạn đồng khóa của chúng tôi đổ xô đi tìm những vị trí nhàm chán ở các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn được xem là tiêu chuẩn vàng của ngành tài chính. Có một cảm giác rất phổ biến nhưng thiển cận là công việc đầu tiên sau khi bạn rời khỏi ghế nhà trường là một quyết định sống chết. Thực sự, những công việc đầu tiên thường chẳng liên quan gì đến sự nghiệp mà ta theo đuổi sau này.
Trong khi rất nhiều bạn học của chúng tôi đã nắm chắc tấm vé vào làm một công việc trong mơ ngay trước khi tốt nghiệp những một năm, Mark chẳng có ý niệm mình phải làm gì sau khi rời Harvard. Thay vì thế cậu tìm kiếm những công ty thu hút sự chú ý của cậu, nơi cậu có thể tiếp tục chơi trò chơi cuộc đời. Kết quả là cậu làm cho John Malone ở TCI, nằm ở ngoại ô Denver, học được những bài học về ngành truyền thông mà sau này trở thành vô giá với cậu. Khoảnh khắc một cơ hội hấp dẫn hơn xuất hiện, cậu nghỉ việc để thành lập công ty đầu tiên của mình. Khi tôi thăm cậu ta ở San Francisco vào những ngày đầu khởi nghiệp, cậu ta bảo tôi, “Cậu kiếm bao nhiêu tiền không quan trọng. Quan trọng là cậu làm thay đổi cả thế giới”.
Steve Jobs cũng chọn lựa một lối sống tương tự, đầy mạo hiểm và hào hứng. Ông đã hài hước nói một câu trở thành kinh điển trong bài phát biểu tại Stanford, “Hãy cứ dại khờ” (Be foolish). Tương tự, Buffett xem công việc đầu tư là một trò chơi và rất ít khi làm những điều làm hao hụt niềm hạnh phúc ngày qua ngày này của ông.
Sau khi sống sót qua khủng hoảng tài chính, tôi ý thức lợi ích của cách sống và làm việc nhẹ nhàng hơn, và vui thú hơn này. Theo gót Warren, tôi ngưng buộc bản thân làm những điều không muốn. Đến thời điểm hiện tại, tôi làm việc chăm chỉ, nhưng theo thời gian biểu của chính tôi; nếu tôi muốn chợp mắt giữa ngày, tôi sẽ làm vậy. Năm 2009, quỹ của tôi đã có một năm thăng hoa, nhờ vào phần lớn những cổ phiếu tôi đã mua trong cuộc khủng hoảng. Một đối tác kinh doanh đã bảo tôi rằng tôi nên quảng bá thêm cho quỹ của mình, thu hút thêm nhiều người nữa đầu tư vào quỹ. Tôi bảo anh ta, “Tôi không muốn. Tôi muốn có cuộc sống hạnh phúc. Tôi không cần phải quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất”.
Thái độ này không nghi ngờ gì đã tạo nên một cuộc sống bình yên và vui vẻ hơn. Nhưng tôi còn cho rằng nó còn khiến tôi trở thành nhà đầu tư giỏi hơn. Để bạn dễ hình dung, khi bạn thả một viên đá xuống mặt ao tĩnh lặng, bạn sẽ thấy các gợn sóng. Tương tự, trong đầu tư, nếu tôi muốn thấy các ý tưởng lớn, tâm trí tôi phải bình thản và mãn nguyện. Điều này nhắc tôi nhớ đến một câu của Blaise Pascal mà Mohnish thường hay trích dẫn: “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”.
Đọc thêm tại Chương 1: Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett – Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“
Có thể bạn quan tâm: Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier (Hành trình từ một tay “mafia” cò mồi phố Wall trở thành NĐT giá trị chân chính)
Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – The Education of a Value Investor