fbpx

Nên đầu tư chứng khoán dài hạn hay ngắn hạn

Nếu bạn đang phân vân không biết nên nắm giữ dài hạn hay ngắn hạn khi đầu tư chứng khoán, bài viết này sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn nhất.

Thực tế là, tôi đã từng thử nghiệm ở cả 2 chiến lược này.

Khi tôi mua cổ phiếu đầu tiên của mình, không ai nói cho tôi biết được tôi nên làm gì và làm như thế nào. Tôi bắt đầu với khoảng 50 triệu tiền tiết kiệm sau khoảng 1 năm đầu tiên đi làm (toàn bộ gia tài của tôi khi đó).

Mục tiêu của tôi khi đó không gì hơn đó là… HỌC HỎI!

Với kinh nghiệm của 1 kẻ nghiện “học thuật”, tôi tin rằng:

Để có thể đầu tư thành công (kiếm được tiền) thì tôi phải giỏi, giỏi hơn những người khác, bằng cách tôi phải luyện tập thật nhiều (practice makes perfect!).

Để luyện tập nhiều, tôi nghĩ rằng tôi phải giao dịch thật nhiều.

Khi giao dịch nhiều, tôi sẽ nắm bắt được quy luật của thị trường, kể cả khi giao dịch lỗ, tôi cũng sẽ có những bài học.

Ở thời điểm đó, tôi không biết rằng cách nghĩ đó chính là con đường dẫn đến “đáy vực” chờ sẵn.

Tôi tin rằng câu chuyện về chính những gì tôi đã trải qua, thử nghiệm (mất rất nhiều tiền), sẽ chính là lời khuyên chân thành nhất dành cho bạn cho câu hỏi ở tiêu đề bài viết.

Nhưng trước hết, hãy bắt đầu với những điều cơ bản nhất.

Chú ý:

Trong bài viết này, tôi giả định rằng bạn đã hiểu về đầu tư chứng khoán, và có thể bạn đã từng đầu tư rồi.

Vì thế tôi sẽ không nhắc lại khái niệm này…

Và chúng ta sẽ giả định, trong bài viết này khi nhắc đến “đầu tư” nghĩa là “đầu tư chứng khoán” mà cụ thể giới hạn ở đầu tư cổ phiếu.

Thế nào là đầu tư ngắn hạn?

Đầu tư ngắn hạn là việc bạn sẽ chỉ nắm giữ cổ phiếu trong 1 thời gian ngắn, thường là dưới 1 năm.

Ở nước ngoài, khi nhắc đến đầu tư ngắn hạn, người ta thường sẽ sử dụng cụm từ “swing trading”, hay lướt sóng, thay vì “short-term investing”.

Nghĩa là:

Bạn mua và bán cổ phiếu với 1 khoảng thời gian nắm giữ rất ngắn, có thể thể là trong 1 ngày, vài ngày, hoặc vài tuần.

Cụm từ “trading” (thay vì “investing”) để chỉ rõ vai trò của người tham gia là người giao dịch, không phải là nhà đầu tư.

Trong bài viết này, để bạn không cảm thấy quá phức tạp, tôi vẫn sẽ dùng cụm từ “đầu tư ngắn hạn”.

Không có gì bí mật…

Tôi bắt đầu những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp đầu tư của mình với vai trò là “người đầu tư ngắn hạn” (Swing trader).

Để bạn hiểu rõ hơn, đầu tư ngắn hạn cũng có nhiều “trường phái”.

Những trường phái đầu tư ngắn hạn – có thể bạn đang áp dụng 1 trong số đó

Trường phái đầu tiên mà tôi thử nghiệm dựa trên các biểu đồ, mẫu hình và chỉ báo phân tích kỹ thuật (technical analysis) để ra quyết định.

Đây là phương pháp mà hầu hết những ai đầu tư ngắn hạn đều thực hiện.

Ưu điểm của phương pháp này là đôi khi bạn không cần quan tâm đến những gì diễn ra bên trong nội tại doanh nghiệp.

Có 2 cách để bạn kiếm tiền ngắn hạn với phương pháp này:

Cách thứ nhất:

  • Sử dụng nguyên tắc “quay về giá trị trung bình” mean-reversion
  • Mua ở mức giá thấp khi giá chạm ngưỡng hỗ trợ
  • Bán khi ở mức giá cao hơn, thường là khi giá chạm ngưỡng kháng cự

Nếu bạn đang đầu tư ngắn hạn, tôi tin rằng bạn đã quá quen với thuật ngữ ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự.

Cách thứ hai, đây là cách mà tôi áp dụng khi bắt đầu:

  • Mua những cổ phiếu có xu hướng tăng giá mạnh mẽ
  • Mua ở những mức giá vượt ngưỡng kháng cự và bán ở mức giá cao hơn nữa

Quan điểm chủ đạo ở cách này là: cổ phiếu tăng giá với xu hướng mạnh mẽ sẽ tiếp tục tăng giá.

Một trường phái khác mà tôi cũng đã áp dụng là kết hợp thêm các yếu tố cơ bản (fundamental factors) vào trong các quyết định mua bán của mình.

Ví dụ:

Tôi đặt cược vào 1 cổ phiếu có xu hướng tăng giá mạnh mẽ, đồng thời các công ty chứng khoán cũng có dự báo tốt về tăng trưởng lợi nhuận trong quý tới.

Thời điểm tốt nhất là khi các chỉ báo kỹ thuật đang tích cực và công ty chuẩn bị (hoặc vừa mới) công bố báo cáo tài chính.

Về sau, tôi tăng thêm mức độ “phức tạp” trong hệ thống đầu tư ngắn hạn của mình bằng việc đánh giá các yếu tố vĩ mô, kết hợp vào các chỉ báo kỹ thuật của cổ phiếu.

Rất nhiều trader cũng áp dụng cách này.

Bạn sẽ phán đoán về mức độ biến động của các yếu tố vĩ mô (hoặc hàng hóa) và tin rằng thị trường sẽ phản ánh những biến động này.

Vậy đầu tư ngắn hạn có phù hợp với bạn không?

Sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược của bạn. Nhưng với tôi thì KHÔNG. Tôi đã từng thất bại với việc giao dịch ngắn hạn.

Tôi đủ hiểu rằng mình không phù hợp với đầu tư ngắn hạn (hoặc có lẽ vì tôi kém may mắn!?).

Sau đợt wipe-out (“xả”) cuối cùng, tôi lỗ hơn 23% với gần 100 giao dịch mua, bán trong gần 2 năm.

Tôi chán nản và cạn kiệt niềm tin vào tất cả mọi thứ mà tôi đã xây dựng.

Tôi thậm chí không dám thống kê lại số tiền mà tôi đã mất trong tất cả giao dịch.

Hệ thống đầu tư mà tôi tự tin rằng “chỉ có chuẩn”, với những thời điểm chỉ báo của hệ thống đúng đến 100% (Cứ mua là thắng!) đổ vỡ đến mức tôi không có 1 chút manh mối nào để “chắp vá” nó.

Tôi nhận ra rằng:

Đầu tư ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào “phong cách” và cá tính của riêng mỗi người.

Nhưng sự thật không thể chối cãi là:

Những người đầu tư ngắn hạn đều có lòng tham rằng mình có thể kiếm tiền nhanh.

Thực tế là…

Lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn có thể dễ dàng thu hút sự chú ý và phấn kích của bạn (và đám đông). Giống tôi trước đây, bạn có thể hứng thú với việc kiếm tiền nhanh và dễ dàng.

Bạn chỉ cần vài ngày để có lợi nhuận 8 – 10%, cao hơn việc gửi tiết kiệm 1 năm.

Tuy nhiên, sự đánh đổi cả về cảm xúc và tài chính là điều bạn thực sự nên cân nhắc.

Về cảm xúc:

Tâm của bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bình yên. Thay vào đó, tâm trạng của bạn sẽ biến động theo giá cổ phiếu hàng ngày. Khi giá cổ phiếu tăng, bạn cảm thấy vui vẻ, hưng phấn. Khi giá cổ phiếu giảm, bạn lo lắng, khó chịu.

Về tài chính:

Không chỉ riêng tôi trước đây thua lỗ sau 1 quá trình “đầu tư ngắn hạn”…

Nghiên cứu của Đại học California, Brad (2004)  với hơn 130.000 nhà đầu tư cá nhân với giá trị giao dịch tối thiểu 1.5 triệu $NT (Đô la Đài Loan), tương đương khoảng 1 tỷ VNĐ, chỉ ra rằng:

  • Có hơn 97% trong số đó là những nhà đầu tư/giao dịch ngắn hạn dưới 6 tháng
  • Trong số những người giao dịch ngắn hạn đó, chỉ có khoảng 20% là có lãi, 80% còn lại đều thua lỗ với thời gian đầu tư 6 tháng (6-month holding period)

Nghiên cứu của Linnainmaa (2003), Marshall School of Business, cũng chỉ ra rằng, trong số ít những người giao dịch ngắn hạn có lãi với thời gian đầu tư 6 tháng chỉ có 2% trong số đó có lợi nhuận trên mức trung bình.

Nghĩa là:

Có 98% trong số những người giao dịch ngắn hạn có lãi nhưng không đánh bại được thị trường. Và thậm chí, để có lợi nhuận cao hơn… họ chỉ cần đầu tư vào 1 quỹ chỉ số.

Những con số này đã giúp tôi xác nhận 1 điều quan trọng: Tôi không thua lỗ vì thiếu may mắn. Tôi thua lỗ vì tôi đã làm theo cách mà 97% nhà đầu tư khác cũng đang làm. Đó là: đầu tư NGẮN HẠN!

Đầu tư ngắn hạn sẽ bào mòn lợi nhuận và số vốn của bạn

Mỗi khi bạn bán 1 cổ phiếu, sẽ có ai đó đang mua cổ phiếu của bạn. Ngược lại, khi bạn mua 1 cổ phiếu, sẽ có ai đó đang bán cổ phiếu cho bạn.

Nghĩa là gì?

Trong ngắn hạn, việc mua bán cổ phiếu đơn thuần là “zero-sum game”: Nếu bạn đang kiếm được tiền thì ngược lại, có ai đó sẽ đang thua lỗ. Khi bạn cố gắng để đánh bại thị trường bằng cách đầu tư/giao dịch ngắn hạn, bạn sẽ phải đánh bại phần lớn những “chuyên gia giao dịch” với những nguồn lực vô tận.

Những chuyên gia này là ai?

Họ có thể đến từ những quỹ đầu cơ chuyên nghiệp, đội lái, BBs, MMs. Họ có những lợi thế từ những công cụ tốt nhất, với những thông tin (bao gồm cả thông tin nội bộ) mà bạn phải chờ vài tháng, vài quý sau mới biết được.

Nói ngắn gọn:

Cơ hội KHÔNG BAO GIỜ nằm trong túi nhà đầu tư cá nhân trong cuộc chơi này (lướt sóng, đầu tư ngắn hạn).

Chưa kể đến 2 yếu tố quan trọng sẽ bào mòn túi tiền của bạn khi lướt sóng:

  • Phí giao dịch, khoảng 0.3%/giao dịch nếu bạn không phải là khách hàng VIP
  • Thuế thu nhập cá nhân, 0.1%/giao dịch bán cổ phiếu
  • (Và có thể) Lãi vay margin, nếu bạn sử dụng margin, lãi suất khoảng 3.5%/quý

Làm 1 phép tính đơn giản:

Giả sử bạn sử dụng margin để thực hiện 20 giao dịch mua/bán cổ phiếu mỗi quý.

Khi đó, chi phí trong 1 quý của bạn sẽ là:

3.5% + 0.3% x 20 + 0.1% x 10 = 10.5%/Quý

Vâng! Là 10.5%/quý!

Mức lãi suất này tương đương khoảng 49%/năm.

Với những chi phí như thế này, không khó để hiểu rằng hơn 80% nhà đầu tư ngắn hạn đều thua lỗ.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán chỉ là 1 cỗ máy bỏ phiếu

Chỉ với 1 lượng nhỏ những nhà đầu tư đang giao dịch trong ngày “bỏ phiếu” với nhau để quyết định giá trị của 1 doanh nghiệp hàng nghìn tỷ.

Điều này được Benjamin Graham nhấn mạnh trong cuốn The Intelligent Investor.

Bạn cần hiểu rằng:

Bản thân mỗi cổ phiếu được đại diện cho 1 phần sở hữu bên trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại biến động hàng ngày vì sự tác động của rất nhiều yếu tố.

Những yếu tố này là những thứ không thể phán đoán 1 cách chính xác. Không chỉ là các yếu tố vĩ mô, mà còn là quan điểm, vị thế của nhà đầu tư hiện tại (investor’s sentiment) và sự đầu cơ của dòng tiền trong ngắn hạn.

Công cụ phân tích kỹ thuật cố gắng chuyển hóa tất cả mọi yếu tố này vào trong những biểu đồ và hình mẫu.

Tuy nhiên, những người giao dịch ngắn hạn sử dụng phân tích kỹ thuật quên mất 1 điều cốt lõi:

Những chỉ báo được xây dựng trên nền tảng của 2 yếu tố:

  • Giá cổ phiếu, và
  • Khối lượng giao dịch

Khi bạn xây 1 ngôi nhà với nền móng không vững chắc (chẳng hạn, bằng cao su!?) thì những “sản phẩm” được xây dựng trên nó cũng sẽ tồn tại những rủi ro “chết người”…

Ngược lại:

Trong 1 chặng đường dài, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra dòng tiền dồi dào cho cổ đông thì 1 lẽ đương nhiên cổ đông sẽ được lợi, cả về cổ tức và về giá cổ phiếu.

Nguồn: govalue

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề