fbpx

Tại sao marketing thất bại: Đừng nghĩ marketing là bắt chước hay nói dối, muốn thành công thực sự bạn cần sáng tạo và lòng tin!

Marketing sinh ra không phải để mang lại lợi ích cho bạn. Nó được sinh ra để mang lại lợi ích cho người khác.

Nhìn vào Marketing với một góc nhìn rộng, bạn có thể thấy đây là một lĩnh vực rất lớn với nhiều cơ hội. Cơ hội có thể đi đúng hướng, nhưng thường nó sẽ đi sai hướng.

Marketing là một vấn đề rất sống động, và những vấn đề bạn đang cố gắng triển khai phải phù hợp với nhu cầu và mong muốn của thị trường, chứ không phải là của bạn. Hơn nữa, marketing sinh ra không phải để mang lại lợi ích cho bạn. Nó được sinh ra để mang lại lợi ích cho người khác.

Tuy nhiên, những hoạt động marketing trong hàng thập kỷ qua đã khiến mọi người không còn tin tưởng vào nó nữa. Điều này không phải do bản chất của marketing gây ra nhưng là do những người làm marketing đã biến chất nó thành như vậy. Những quảng cáo phiền phức, những câu nói xạo, gián đoạn liên tục, lạm dụng email, đầy dẫy trên mạng xã hội và vô số các cửa sổ pop-up hiện ra, …

Hãy dừng lại một chút và suy ngẫm. Liệu cái này có hiệu quả với tôi không? Liệu tôi có thích thú khi ai đó liên tục đưa cho tôi những trò marketing ở trên không? Thường câu trả lời sẽ là “không”. Vậy tại sao tôi lại làm vậy, trong khi những khán giả cũng là con người như tôi?!

Đây là lý do tại sao Marketing lại thất bại:

1. Làm những gì mà người khác cũng làm

Ngày đầu tiên bạn đi làm Marketing cho một công ty, thì bạn sẽ làm gì? Quảng cáo trên Instagram, đăng bài liên tục trên mạng xã hội, viết bài không có mục đích gì hết, hình ảnh quyến rũ mà không có ý nghĩa gì, nói dối chỉ để thu hút sự chú ý, quảng cáo, quảng cáo, quảng cáo ….. và tại sao? Bởi vì người khác cũng đang làm điều đó.

Bắt chước người khác không phải là marketing. Sáng tạo mới được gọi là marketing.

Bạn không nhất thiết phải làm những gì người khác làm. Chúng ta phải nghiên cứu trên Internet xem người khác đã làm như thế nào và xem xem các công ty khác đã làm gì rồi. Tiếp thu những loại kiến thức như vậy là một cách thực hành rất hay. Nhưng bạn không cần phải triển khai y chang như vậy. Mặc dù Spotify có thể đầu tư vào các billboard lớn và quảng cáo thói quen nghe nhạc của người dùng và họ hoàn toàn thành công khi làm như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là nó cũng sẽ có hiệu quả đối với bạn. Đối với Spotify, nó hoàn toàn có hiệu quả. Nhưng nếu bạn bắt chước họ, sao chép các hoạt động tào lao chỉ vì mục đích gì đó, thì bạn sẽ nhận lại kết quả kinh hoàng.

Một điều tách biệt các hoạt động tiếp thị hiệu quả với không hiệu quả là nghiên cứu tốt thị trường/ người tiêu dùng. Nhiều người cố gắng tránh bước này, để công việc của mình dễ dàng hơn và họ cố gắng triển khai tất cả những cách mình thấy trên Internet. KHÔNG.

Nghiên cứu tiếp thị kỹ càng mang đến cho bạn những cái nhìn chuyên sâu về nơi bạn nên tập trung vào. Đừng sử dụng Facebook nếu cộng đồng của bạn không có tài khoản Facebook. Thay vào đó, hãy phân tích hành vi người dùng và nhu cầu thị trường và tập trung vào các điểm đầu vào nhất định. Đừng cố gắng dùng hết mọi thứ. Sử dụng một vài nguồn thôi và tiếp tục phát triển chúng.

2. Nói dối

“Vì đó là bản chất của Marketing.”

Nhiều người cho rằng đã là marketing thì phải nói dối. Họ nói “chỉ là marketing thôi mà”, thực sự câu nói đó có nghĩa là đừng tin vào quảng cáo vì hầu hết quảng cáo chỉ là lời nói dối. Họ chỉ đang cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp mắt để thu hút chúng ta, để lừa dối chúng ta, và chẳng đem lại cho chúng ta bất cứ giá trị nào cả.

Nếu bạn nói dối, người ta sẽ mất niềm tin vào bạn. Marketing phải xuất phát từ nền tảng là lòng tin. Nếu ai đó không tin, bạn nghĩ tương lai của mình sẽ như thế nào? Chỉ với mục đích ngắn hạn có thể nó sẽ có hiệu quả, nhưng về lâu dài, thì nó không bao giờ có hiệu quả.

Lời thề Hippocrates (lời thề đạo đức) cho các nhà marketing không phải là một ý tưởng tồi.

Một lời hứa đơn giản mà tất cả các nhà tiếp thị nên tuân theo là: Tôi sẽ không nói dối bạn và tôi sẽ không lừa bạn bằng những lời hứa gian xảo để mang lại cho mình lợi ích. Tôi hứa rằng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp bạn và cung cấp cho bạn một sản phẩm/ dịch vụ làm phong phú cuộc sống của bạn.

3. Ích kỷ

Đừng sử dụng tiếp thị như một công cụ để quấy rối mọi người và nhận được một cái gì đó cho chính mình hoặc cho công ty của bạn. Một nhà marketing sẽ không như vậy. Một người làm Marketing có nghĩa là phải cho đi. Có nghĩa là bạn phải giải quyết những vấn đề của người khác chứ không phải của bạn. Bỏ đi cái ích kỷ của mình, bạn sẽ thấy rõ mong muốn và nhu cầu của người khác, và công việc của bạn với tư cách là một nhà tiếp thị là đáp ứng chúng. Câu thần chú là: cho đi, là nhận lại.

4. Mất kết nối với mọi người

Marketing chưa bao giờ và không bao giờ là marketing cho bạn. Nó luôn luôn là để phục vụ cho khách hàng của bạn. Khi bạn ngắt kết nối với khách hàng và chỉ phục vụ bản thân, chỉ lắng nghe những gì bạn muốn và đáp ứng mong muốn của bạn – rất tiếc nhưng tôi phải nói, bạn không phải là một nhà marketing. Bạn nghĩ rằng bạn đang làm marketing, nhưng thực sự, bạn chỉ làm những thứ tào lao.

Marketing được sinh ra là để kết nối mọi người. Không bao giờ được mất kết nối.

Người ta xem quảng cáo là cốt lõi của marketing, người ta sử dụng quảng cáo để cho mọi người thấy những gì mình muốn người ta thấy. Tất cả chỉ để nói lên ý muốn của mình.

Marketing có nghĩa là bạn phải cho khách hàng thấy những gì mà họ xứng đáng. Nói lên ý muốn của họ. Đặt mình vào vị trí của họ, thông cảm với họ, kết nối với họ và đại diện nói/ viết thay cho họ. Những điều đó giúp bạn trở thành một nhà marketing.

5. Làm phiền

Đừng ngắt lời, hãy lắng nghe.

Marketing đại chúng là một thói quen độc hại của sự gián đoạn. Bạn có thể thấy rằng người kia đang nói, nhưng bạn không quan tâm đến điều đó bởi vì, cuối cùng, bạn sẽ ngắt lời, và nói chen vào những gì mà bạn muốn nói. Điều đó có thành công không? Ai quan tâm.

Bạn sẽ gửi email spam vào lúc 3 giờ sáng, hiển thị các cửa sổ pop-up ngay khi có ai đó vào trang web của bạn, viết các bài viết clickbait (kêu gọi nhấp chuột) với các chương trình quảng cáo ẩn hoặc gửi một đống thông báo vì bạn rất muốn nói điều gì đó với khách hàng của mình hoặc vì bạn rất cần một cái gì đó từ họ.

Marketing nên lắng nghe hơn là nói, và đây là điểm khác biệt chính. Trở thành một nhà marketing không có nghĩa là bạn liên tục phải ra ngoài để nói chuyện. Trái lại, trở thành một nhà marketing có nghĩa là bạn luôn luôn phải lắng nghe.

Và cuối cùng …

Làm những gì bạn nghĩ là tốt nhất cho thị trường.

Đừng mong chờ sự thay đổi nếu bạn không thay đổi. Hãy thay đổi tư duy của bản thân. Thay đổi những cách thức marketing của bạn để bạn trở nên tốt hơn. Rồi sự thay đổi từ người khác sẽ tự động đến.

Trở thành một nhà marketing trung thực là một bước khởi đầu tuyệt vời.

Nguồn: Cafebiz

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Segio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề