Xây dựng bản checklist đầu tư – Nghệ thuật quản lý sự phức tạp (P2)
Bản checklist đã đi vào lối sống của rất nhiều người, dù bạn có là nhà đầu tư hay không. Thời gian đã chứng minh rằng con người từ đủ mọi ngành nghề khác nhau đều khai thác tính hiệu quả của việc lập danh sách. Phát triển từ một thứ từng được cho là ngớ ngẩn như danh sách các việc cần làm (to do list), (nhằm nhắc nhở các đầu việc cần hoàn thành trong ngày) cho đến bản checklist (ảnh hưởng đến an toàn và mang tính bắt buộc); thì dù sử dụng cho công việc gì mọi người sẽ đều được hưởng lợi. Đơn giản là bạn chẳng thiệt gì khi sử dụng bản checklist. Tuy nhiên, nếu không sử dụng hoặc không xây dựng bản checklist đến nơi đến chốn, thì hậu quả có thể khá đáng ngại.
>> Xem thêm Xây dựng bản checklist đầu tư Phần 1
Chúng ta biết rằng tất cả các nhà đầu tư đều có “điểm mù” hay thiên lệch (bias) trong nhận thức, vốn thuộc về bản chất con người. Trong đầu tư, thiên lệch có thể dẫn đến lợi nhuận không đạt mức tối ưu, hoặc tệ hơn là thua lỗ vốn vĩnh viễn. Nhiều bậc thầy đầu tư đã sử dụng công cụ đơn giản là bản checklist để cải thiện kết quả đầu tư. Charlie Munger, cánh tay phải của Warren Buffett và là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, không thể dứt khoát hơn khi nói: “Nếu bạn đang cố gắng phân tích một công ty mà không sử dụng danh bản checklist phù hợp, có thể quyết định đầu tư của bạn sẽ rất kinh khủng”.
Không ai là không thể sai lầm, dù họ có nghĩ mình cao siêu đến đâu. Bản checklist không chỉ bao gồm những điều chúng ta nghĩ mình cần điều tra hoặc phân tích, mà còn là thứ chúng ta học được từ sai lầm trong quá khứ. Điều phải ghi nhớ nếu muốn sử dụng bản checklist thành công là hãy biến sai lầm mà bạn hoặc người khác phạm phải thành tiêu chí kiểm tra cần thiết hoặc thậm chí là bắt buộc. Như vậy, từ nay về sau điều này sẽ trở thành mối ưu tiên hàng đầu khi bạn xây dựng bản checklist đầu tư của mình – Bắt đầu với sai lầm của bạn và sai lầm của người khác.
“Về việc xây dựng bản checklist đầu tư, không cần phải hỏi, điểm lưu ý hàng đầu là sai lầm trong quá khứ. Không chỉ là sai lầm trong quá khứ của bản thân người đó, mà cần phải quan sát và học hỏi sai lầm từ vào các nhà đầu tư khác.” Guy Spier
Bản checklist của bạn càng toàn diện, bạn càng ít có khả năng thiếu sót và càng có khả năng thu thập thông tin một cách đầy đủ nhất. Vì không có ai là không thể sai lầm, tương tự như vậy, không ai sở hữu bộ nhớ hoàn hảo. Ngay cả những người may mắn với khả năng ghi nhớ hình ảnh (photographic memory hay còn gọi là eidetic memory là khả năng ‘chụp ảnh’ thông tin và ‘gọi’ lại hình ảnh từ bộ nhớ của não bộ chỉ sau một thời gian ngắn với độ chính xác cao mà không dùng tới bất kì một kỹ thuật ghi nhớ nào) cũng không thể ghi nhớ tất cả mọi thứ. Chỉ cần trang bị bản checklist và ý thức tuân theo, đảm bảo bạn sẽ ghi nhớ các việc cần làm khá đơn giản. Dựa vào mỗi trí nhớ sẽ mang lại rủi ro. Có khi nào bạn choàng tỉnh vào lúc nửa đêm cùng với ý tưởng lóe sáng hay giải pháp cho một vấn đề khó nhằn, rồi sau đó chắc mẩm sẽ nhớ lại vào buổi sáng, nên lăn ra ngủ ngon lành, cho đến khi thức dậy vào buổi sáng thì hỡi ơi… mình đã quên sạch? Cách chắc chắn duy nhất để ghi nhớ là viết nó ra. Về cơ bản, nếu đã nằm trong bản checklist, bạn không thể quên được.
Lập bản checklist các mục tiềm năng để đánh giá một cách hệ thống cũng sẽ giúp bạn tránh mắc phải sai lầm cũ. Như Josh Waitzkin đề cập trong cuốn sách ‘Nghệ thuật học tập’ (The Art of Learning), “nếu một sinh viên thuộc bất cứ chuyên ngành nào có thể tránh việc lặp lại sai lầm cũ – cả về kỹ thuật và tâm lý – thì người đó sẽ phát triển tăng tốc và đạt đến vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực của họ”.
Bản checklist đầu tư cần được thiết kế sao cho các thông tin quan trọng đều được thu thập, xem xét và không bị bỏ qua. Nó sẽ hướng các nhà đầu tư có tiếp tục nghiên cứu sâu hơn hay không. Một khoản đầu tư phù hợp không nhất thiết phải điều kín “dấu tít” 100%, tuy nhiên một số mục trong bản checklist là bắt buộc và không thể thương lượng [ví dụ: nợ quá nhiều, lịch sử quản lý yếu kém,…].
“Không có khoản đầu tư nào vượt qua toàn bộ các mục cần kiểm tra của bản checklist. Thay vào đó, bản checklist sẽ đưa ra các vấn đề mà nhà đầu tư nên tập trung vào” – Guy Spier.
“Lần đầu tiên sử dụng bản checklist, nó mang lại cho tôi rất nhiều giá trị vì đã làm nổi bật những thứ tôi không biết câu trả lời, từ đó dẫn đến nhiều nghiên cứu sâu hơn. Bản checklist là công cụ đắc lực trong việc làm nổi bật những khu vực có vấn đề – những điều dễ bị bỏ sót,… để rồi dựa vào đó tôi có thể đưa ra quyết định đầu tư, đi tiếp hay dừng lại” – Mohnish Pabrai.
Bản checklist là một công cụ “tiến hóa”. Ngay cả những người làm việc ngoài ngành đầu tư, chẳng hạn như phi công và bác sĩ phẫu thuật mà chúng tôi đã đề cập trong Phần 1, đều bổ sung định kỳ các mục cần kiểm tra vào bản checklist của họ trong quá trình học tập và thông tin hoặc công nghệ thức thời. Nếu một chiếc máy bay gặp sự cố, sau khi bộ phận điều tra khám phá ra nguyên nhân, họ sẽ thông báo cho tất cả những người liên quan đến an toàn hàng không biết đến điều này. “Có thể tránh được tai nạn đơn giản bằng cách thực hiện công việc X”. Như vậy, kinh nghiệm trên được thêm vào bản checklist trước khi bay và an toàn bay của phi công, về cơ bản mọi người đều học hỏi từ sai lầm.
“Hãng Boeing chỉ không ngồi trong phòng và đưa ra bản checklist cho việc cất cánh. Nó được đúc rút từ hơn 60-70 năm thất bại. Bản checklist đầu tư của chúng ta cũng được thiết kế theo cách tương tự. Tôi nhìn vào những sai lầm mà mình mắc phải kể từ khi gia nhập vào thế giới đầu tư và tôi cũng nhìn vào những sai lầm mà người khác mắc phải, họ là những huyền thoại đầu tư mà tôi ngưỡng mộ như Warren Buffett và Charlie Munger, LongLeaf Partners,… Khi nghiên cứu những sai lầm, tôi sẽ tìm ra đâu là lý do khoản đầu tư thua lỗ và lý do đó có thể được phát hiện ngay từ đầu hay không? Có phải sai lầm nên được nhìn thấy trước khi thực hiện khoản đầu tư? Và, trong hầu hết các trường hợp, điều đó cực kỳ rõ ràng.” – Mohnish Pabrai.
Tương tự, những bậc thầy đầu tư học hỏi từ chính sai lầm của họ: “Tôi nhận thấy có vẻ đẹp ẩn dấu dưới những sai lầm, bởi vì mỗi sai lầm như một câu đố và sẽ là viên ngọc nếu tôi giải quyết được nó, cũng chính là nguyên tắc giúp tôi cắt giảm những sai lầm của mình trong tương lai” – Ray Dalio.
“Người ta học được nhiều nhất từ sai lầm, chứ không phải thành công” – Paul Tudor Jones.
Bản checklist cần liên tục phát triển khi thị trường thay đổi và trình độ gia tăng của nhà đầu tư. Điều quan trọng nữa là các khoản đầu tư phải được xem xét liên tục với bản checklist để đảm bảo tính hiệu lực vẫn đảm bảo.
“Người bạn tốt của tôi, Guy Spier, xét thấy cả hai chúng tôi đều có một bản checklist trước khi đầu tư, nhưng lại không có danh sách kiểm tra “trên chuyến bay”. Bản checklist trước đầu tư đã được chứng minh là vô giá. Tuy nhiên, nó không đủ để chỉ theo kịp các khoản đầu tư hiện có. Điều quan trọng là thực hành và kiểm định lại bản checklist trên chuyến bay” – Mohnish Pabrai.
Cuối cùng, càng có nhiều lớp dự phòng kiểm tra, nhà đầu tư càng ít có khả năng mắc lỗi hoặc thiếu sót.
Bản checklist có thể tuân theo các hình thức và chức năng khác nhau – bạn có thể có một bản checklist dùng để kiểm tra tất cả thông tin bạn cần thu thập khi phân tích cơ hội đầu tư hoặc đó có thể là danh sách bao quát các hành động cần thực hiện trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Tương tự, bản checklist của bạn có thể là một bộ tiêu chí làm bệ đỡ cho quyết định đầu tư hay không đầu tư. Bạn có thể có nhiều bản checklist phụ trách các quy trình đầu tư khác nhau, chẳng hạn như bán khống, giao dịch ăn chênh lệch (risk-arbitrage) hoặc doanh nghiệp spin-offs. Dù thế nào đi nữa, bạn càng sử dụng nhiều bản checklist trong các hoạt động đầu tư của mình, bạn càng có nhiều khả năng thành công.
“Chúng tôi thiết kế nhiều bản checklist và quy trình để cải thiện cách chúng tôi suy nghĩ và ra quyết định” – Ken Shubin Stein.
“Điều đầu tiên chúng tôi lập ra cho tất cả các phòng ban tại công ty của mình, kể cả phòng đầu tư là bản checklist hàng ngày” – Bruce Berkowitz.
Kiểm tra các mục trong bản checklist đảm bảo các khoản đầu tư không phù hợp sẽ bị loại bỏ nhanh chóng, tăng tính hiệu quả và dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm kiếm/phân tích các cơ hội hấp dẫn.
Mặc dù các nhà đầu tư thường mất tiền do xem nhẹ các yếu tố kỹ thuật [như đòn bẩy hoạt động, nợ quá nhiều, rủi ro chủ quyền, kỹ thuật lỗi thời hoặc kết hợp các yếu tố này với nhau], thường thì những sai lầm như vậy là kết quả của điểm mù tâm lý (psychological biases). Những thiên lệch tâm lý này có xu hướng kém rõ ràng hơn đối với một người quan sát bên ngoài. Bản checklist có thể gieo vào nhận thức và khắc phục các thiên lệch tâm lý phổ biến như thiên lệch xác nhận/ tư duy tập thể (groupthink)/ tâm lý bầy đàn/ hiệu ứng mỏ neo / thiên lệch do những tác động gần đây (recency bias),…
“Trong bản checklist, không chỉ có thể xác lập các bước cần thiết để thực hiện nghiên cứu, liệt kê các sai lầm hoặc vấn đề xảy ra trong quá khứ, mà còn có danh sách các thiên lệch nhận thức (cognitive biases). Điều này cho phép nhà đầu tư tự mình kiểm tra xem liệu có yếu tố nào kích hoạt các thiên lệch nhận thức hay không, và nếu có, hãy tiến hành xem xét chúng” – Ken Shubin Stein
“Bản checklist của tôi là… ‘nó có rẻ không? nó có phải là một doanh nghiệp tốt? ai đang điều hành” và tôi có bỏ qua điều gì không?’ Tôi kiểm tra tất cả các câu hỏi này qua bản checklist. Khi đi đến câu hỏi ‘tôi có bỏ qua điều gì không?’… điều cực kỳ quan trọng lúc này là phải hiểu tâm lý học và nhận thức của con người” – Li Lu
Dù bản checklist là một phần quan trọng trong bất kỳ hoạt động đầu tư nào, chúng không nên thay thế suy nghĩ của chính bạn. Như chúng ta đã biết ở Phần 1, tâm trí sẽ “giở mánh” với chúng ta hoặc chúng ta sẽ tìm cách lẫn tránh những thông tin nào trái với quan điểm của mình. Với ý nghĩ đó, bạn có thể tránh mắc bẫy của trò chơi tâm trí bằng cách theo dõi bản checklist để khuyến khích bạn mở tầm nhìn rộng hơn, thách thức quan điểm của bạn hoặc của người khác và khám phá các chủ đề mà bạn có thể bỏ qua. Tóm lại, hãy sáng tạo trong lối suy nghĩ của bạn. Tuy bản checklist không nên thay thế cho suy nghĩ của bạn, chúng vẫn cần được đặt đúng chỗ để đảm bảo bạn suy nghĩ đúng cách.
“Bản checklist không làm vật thay thế cho suy nghĩ được” – Warren Buffett.
“Hành động theo các quy tắc, bộ lọc và bản checklist được thiết lập sẵn thường hợp lý hơn là dựa trên cảm xúc thuần túy. Nhưng chúng ta không thể dựa dẫm quá nhiều quy tắc, bộ lọc hoặc các mục cần kiểm tra trong danh sách mà thiếu đi suy nghĩ. Chúng ta phải luôn hiểu mình đang cố gắng hoàn thành cái gì” – Peter Bevelin.
Tôi (tác giả bài viết) xin giới thiệu khung checklist đơn giản mà mình đã xây dựng.
– Có nguy cơ thua lỗ vốn vĩnh viễn không? [ví dụ như nợ, gian lận, công nghệ phản động, lỗi thời, đòn bẩy hoạt động, định giá cao, rủi ro chủ quyền, rủi ro pháp lý, mất bằng sáng chế/ kiện tụng, thị trường tín dụng đóng cửa, hệ thống thất bại, rủi ro tự nhiên, sụt giá hàng hóa, tái cấp vốn bằng vay nợ, rủi ro lớn mua lại, rủi ro phái sinh/ ngoại hối/ lãi suất, rủi ro dự án, mất hợp đồng, thiệt hại thương hiệu,…].
– Tôi có hiểu doanh nghiệp không? Lý do khiến nó có thể tồn tại? Tại sao khách hàng mua sản phẩm của danh nghiệp? Nó có nằm trong vòng năng lực của tôi không?
– Độ thanh khoản của cổ phiếu?
– Đòn bẩy có phù hợp không?
– Giá rẻ hay ở mức phù hợp? Lợi nhuận có bất đối xứng (khả năng thua lỗ thấp, mà đạt lợi nhuận cao)?
– Đây có phải là một doanh nghiệp chất lượng? Con hào kinh tế (mở rộng?), quyền định giá (pricing power, ảnh hưởng của giá sản phẩm đến nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm đó), biên lợi nhuận, thành tích trong quá khứ/ dài hạn? (track record/long term?), thị phần/ tiềm năng/ quốc tế, chuyển đổi dòng tiền (cash flow conversion), lợi nhuận trên vốn cao, cơ hội tái đầu tư, văn hóa doanh nghiệp, cơ cấu ngành, đối thủ cạnh tranh hợp lý, đổi mới, phân mảnh/ tập trung khách hàng/ cơ sở cung ứng/ hàng hóa/ vòng đời? lĩnh vực win-win (xã hội-doanh nghiệp), yêu cầu vốn để tăng trưởng?
– Đám đông yêu hay ghét cổ phiếu?
– Chất lượng của ban lãnh đạo – phân bổ vốn, trung thực, thành tích trong quá khứ, skin in the game (lãnh đạo mua cổ phần của chính công ty họ điều hành), đổi mới, nguyên tắc thận trọng trong kế toán (conservative accounting)?
– Có cơ hội để tái đầu tư vốn với lợi nhuận hấp dẫn?
– Doanh nghiệp có thể tăng doanh thu? Có thuận lợi/bất lợi gì (tailwinds/headwinds)? Chi phí gia tăng (incremental costs) là gì?
– Tiềm năng cho công nghệ phản động/ lỗi thời?
– Mức độ khó khăn nếu muốn sao chép doanh nghiệp?
– Doanh nghiệp có khả năng sẽ làm gì trong 5-10 năm tới? Nó đã thay đổi như thế nào trong 5-10 năm qua?
– Sự ổn định và mạnh mẽ của doanh nghiệp? Thu nhập, tỷ suất lợi nhuận trong quá khứ? Doanh nghiệp hoạt động như thế nào trong giai đoạn khủng hoảng tài chính?
– Doanh nghiệp tài sản ẩn hay không (công ty sở hữu tài sản ẩn – hidden assets – lớn như bất động sản, khoản đầu tư có giá trị thị trường cao hơn con số trên bảng cân đối kế toán, việc đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể)?
– Các yếu tố chính thúc đẩy doanh nghiệp (key drivers) là gì?
– Chu kỳ vốn của ngành như thế nào, hợp nhất hay mở rộng?
– Cổ phiếu có khả năng bị định giá sai hay không? Tại sao tồn tại cơ hội?
– Giá trị nội tại (intrinsic value) đạt bao nhiêu? Thị giá ở mức hợp lý/ rẻ hơn so với giá trị nội tại?
– Tốc độ tăng trưởng giá cổ phiếu hiện tại đạt bao nhiêu, so sánh với cổ phiếu cùng ngành?
– Bạn có tự tin với thu nhập (earning) trong thời gian 3-5 năm tới?
– Có biên an toàn (MOS) không?
– Về khối lượng đăng kí giao dịch, người trong công ty có giao dịch thường xuyên không?
– Các yếu tố tạo ra tiềm năng tăng giá cổ phiếu (catalysts) là gì?
– Kiểm tra chéo/ thông tin có được từ khách hàng/ nhà cung cấp/ đối thủ cạnh tranh,…?
– Bạn đã cân nhắc kết quả khác có thể xảy ra chưa? Khả năng xấu nào có thể xảy ra/ giết chết doanh nghiệp là gì? Hậu quả khi khả năng xấu xảy ra là gì?
– Những thiên lệch nhận thức (cognitive biases) nào có thể ảnh hưởng đến quyết định?
– Có điều gì mà tôi không biết?
Nếu khoản đầu tư đã vượt qua bản checklist, thì bước tiếp theo là xem xét thêm bản checklist quản lý danh mục đầu tư. Vị thế đầu tư này nên chiếm bao nhiêu phần? Tác động nào sẽ ảnh hưởng lên tương quan danh mục đầu tư? Vị thế sẽ tác động đến tính thanh khoản của danh mục đầu tư như thế nào?
Càng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, bạn càng khai thác được nhiều cơ hội hơn. Thời gian của bạn có nguồn cung hữu hạn trong khi thông thường các khoản đầu tư đều cần nguồn cung cao. Cách tiếp cận có thể là xếp hạng các mục cần kiểm tra trong bản checklist, chẳng hạn như tạo bộ lọc nhanh bằng cách xếp các yếu tố bắt buộc phải có lên đầu tiên. Một cách tiếp cận khác nữa có thể là lướt qua tất cả các mục cần kiểm tra trong bản checklist với mục tiêu bác bỏ khoản đầu tư, sau đó nếu khoản đầu tư được thông qua thì hãy nghiên cứu công ty sâu hơn.
Để tận dụng tối đa bản checklist của riêng bạn, các mục (được khuyến nghị phân tích chuyên sâu) có thể được viết ra và trả lời sao cho:
- Chúng gợi ra một tuyên bố cho cơ sở đầu tư của bạn trước đây.
- Bạn buộc phải xem xét cả góc nhìn bên ngoài (tỷ lệ cơ sở ngành – industry base rates và đối thủ cạnh tranh) và góc nhìn bên trong (kinh nghiệm của bạn).
- Bạn phải xem xét viễn cảnh ngược lại xảy ra như thế nào, nếu bạn hoàn toàn sai thì sao.
- Bạn liệt kê những yếu tố tâm lý nào có thể ảnh hưởng đến kết luận của bạn trong từng mục cần kiểm tra của bản checklist.
Các ý tưởng đầu tư tốt nhất thường xuất phát từ tư duy sáng tạo và cho ra đời góc độ quan sát mà người khác không nhận ra. Trong đó việc đối chiếu từng mục trong bản checklist là nguồn hỗ trợ đắc lực cho quá trình này.
“Nếu bạn sở hữu đầy đủ danh sách các công cụ đưa vào bản checklist, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều câu trả lời mà bạn không thể tìm kiếm bằng bất kỳ cách nào khác” – Charlie Munger.
Bạn có đang sử dụng bản checklist không? Nếu câu trả lời là có thì chúng đã bao gồm tất cả những điểm cần thiết để thành công trong đầu tư chưa? Hãy thử thách bản thân bằng cách kiểm tra bản checklist của mình thường xuyên. Nhưng đừng rơi vào cái bẫy hài lòng với kết quả tốt đẹp ở hiện tại. Không ngừng phát triển bản checklist của bạn, hãy bổ sung, thay đổi, xóa các điểm lỗi thời hoặc thiếu sót nếu có. Bản checklist càng được nâng cấp, chúng càng phục vụ hoạt động đầu tư của bạn mạnh mẽ hơn.
Nguồn: MastersInvest/ Happy.Live dịch
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live