fbpx

TÂM SỰ ĐẦU TƯ #201: KIỆT QUỆ TUỔI 30… VƯỚNG VÀO TIỀN ẢO VÀ ÔM KHOẢN NỢ 600 TRIỆU

Một người bạn kiệt quệ tuổi 30 chia sẻ: Tôi đang vướng vào tiền ảo và ôm khoản nợ 600 triệu, tôi thật sự bế tắc và muốn xin lời khuyên. Hãy cùng lắng nghe giải pháp của Happy Live dành cho bạn trong bài viết này nhé.

Bạn có thể đọc thêm những bài tâm sự đầu tư khác tại đây 

KIỆT QUỆ TUỔI 30… VƯỚNG VÀO TIỀN ẢO VÀ ÔM KHOẢN NỢ 600 TRIỆU

Tiền ảo có giúp kiếm được tiền như cách mà bạn nghĩ, nếu bạn ở trong tình huống của người bạn này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Tôi đang áp lực và suy sụp, không còn động lực để cố gắng, suy nghĩ tiêu cực, ngày nào cũng sống trong sợ hãi và lo lắng.

Tôi làm công việc thiết kế 2D mảng thương mại điện tử. Từ năm 2017 đến 2020 công việc ổn định, thu nhập rất tốt, lương hàng tháng khoảng 30 triệu đồng, dịp cao điểm cuối năm có thể 45 – 50 triệu đồng. Khoảng thời gian này do dư giả về kinh tế nên tôi giúp đỡ anh em bạn bè nhiều, vì vậy sau này tôi cũng mang ơn họ nhiều.

Cuộc sống của tôi thay đổi từ cuối năm 2020, lúc này do ảnh hưởng của dịch Covid nên thu nhập giảm đáng kể. Tôi biết đến tiền ảo từ năm 2017 và đầu tư một khoản nhỏ, lợi nhuận rất tốt. Đến đầu năm 2021, tôi quyết định đầu tư hết số vốn tích lũy được từ mấy năm làm việc (khoảng 300 triệu đồng) vào tiền điện tử. Ban đầu lợi nhuận tốt đến mức chỉ vài tháng sau, từ số vốn 300 triệu đồng, trong tài khoản của tôi lúc cao nhất là hơn 1 tỷ đồng.

Bi kịch cũng bắt đầu từ đây, do không quản lý tốt dòng tiền, cùng lúc thị trường tiền số giảm mạnh, tài sản bốc hơi hơn 70% chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, tôi hoảng loạn, phần vì tiếc số tiền bị mất, phần vì tâm lý muốn gỡ lại. Tôi vay mượn anh em, bạn bè. Lúc trước tôi rất uy tín về chuyện tiền bạc, hay giúp đỡ anh em bạn bè nên lúc vay tiền họ rất dễ. Chỉ trong một tuần tôi vay được hơn 200 triệu đồng, tiếp tục đầu tư vào tiền số, hy vọng gỡ lại chút vốn ban đầu rồi dừng lại. Vậy mà càng gỡ lại càng mất, tôi tiếp tục vay các công ty tài chính, thế chấp cả sổ đỏ để có tiền và đầu tư. Đến lúc này tôi không còn kiểm soát được mình khi tài khoản đầu tư đã cháy sạch, số nợ lên tới hơn 600 triệu đồng.

Do nguồn thu nhập chính từ công việc bị giảm đáng kể, không còn đủ để trang trải chi phí lãi vay, tôt mất kiểm soát tài chính, phải đi vay nặng lãi để tiếp tục trả các khoản nợ ngắn hạn. Các khoản nợ đến hẹn của anh em bạn bè, tôi cũng không trả được đúng hẹn, mất hết danh dự và uy tín, ảnh hưởng nhiều đến gia đình, bạn bè, xã hội.

Tôi thực sự bế tắc, muốn xin lời khuyên từ Happy Live và anh chị em trong cộng đồng!

———————————————————
 
Happy Live chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi tâm sự và câu hỏi về chuyên mục Tâm sự đầu tư. 
 
Một số độc giả từ cộng đồng Cộng đồng Happy Live – Đầu tư tài chính & Thịnh vượng đã chia sẻ: 
 
Bạn Hhdang Mai cho rằng: Thời kì suy thoái kinh tế, tiền kiếm được để trả khoản nợ 600tr cũng không phải dễ. Lời khuyên chân thành của em dành cho chủ tus: Khi nào bình tĩnh lại, anh nên viết ra tất cả tài sản mình còn lại gồm những gì, tổng số nợ là bao nhiêu, nếu tài sản nào bán được mà không thiết yếu trong cuộc sống thì nên bán hết để trang trải nợ nần thậm chí bán cả nhà chuyển ra ở thuê hoặc chuyển qua căn nhà nhỏ hơn. Bỏ qua sĩ diện nên đến gặp các chủ nợ thương lượng bảo họ thư thả cho vài năm để anh suy nghĩ con đường làm ăn kiếm tiền trả nợ. Khi đầu óc thoải mái chuyện nợ nần giải quyết hoặc trì hoãn được, anh nên kiếm thêm các công việc khác để bổ sung thêm thu nhập rồi trả dứt nợ cho người ta rồi tính tiếp. Mọi chuyện bắt đầu từ anh thì anh phải là người kết thúc chuyện do mình gây ra. Chúc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh.
 
Bạn Akira Quang bình luận: Làm gì cũng thế, có phải bạn giỏi ở lĩnh vực này thì lĩnh vực khác cũng vậy đâu….Không học hỏi trước mà lao đầu vào thì học phí như vậy là quá rẻ
 
Bạn Banh Chan Oai chia sẻ: Thiếu kiến thức tài chính cá nhân và phân bổ vốn mà bước vào tất cả thị trường tài chính thì chỉ lãnh lấy hậu quả thôi, không sớm thì muộn, quan trọng là nhận ra mình sai ở đâu để sửa, làm lại thì sẽ có lại thôi!
 
Bạn Tokyo Seiden chia sẻ: Mỗi người một quan điểm, nhưng theo mình thì đầu tư không nên vay mượn. có mất thì vẫn có thể làm lại chứ mất mà ko còn cơ hội làm lại thì quá liều mạng. Tiền nhiều hơn tất nhiên tốt nhưng so với mất tất cả ko còn cơ hội làm lại thì cơ hội có tiền nhiều quá bé nhỏ.
 
Bạn Yen Vy Van tâm sự: Cách đây 2 tiếng mình vừa xoá app Binance lần thứ 2. Futures nó gần như giết chết thời gian quý báu trong cuộc sống. Nếu sới Vn30 b thức dậy lúc 2h15 và đi ngủ lúc 2h45 thì vs futures Binance là 24h/24h. Rất mệt mỏi gần như 24h nhìn vào cái màn hình xem chỉ số. Khuyên những ai chưa chơi futures Binance thì thôi đừng chơi, trên mạng ng ta khoe lãi thì nhiều nhưng 1 ngày di ngược thị trường thì cháy trong nháy mắt.
 
Bạn Lê Văn Thái Bảo chia sẻ một chiến lược rất dài:
 
Sai lầm nhỏ (nếu bạn không biết cách chấp nhận rằng mình đã sai) sẽ dẫn đến sai lầm lớn, sai lầm lớn sẽ dẫn đến sai lầm khủng khiếp (thảm họa về mặt tài chính và tinh thần).
 
Lời khuyên của mình: Hãy chấp nhận sai lầm, hãy tiêu hóa nó dù điều này là đau đớn (Thay đổi thái độ – giải tỏa cảm xúc, vượt qua nỗi ám ảnh của quá khứ).
 
Làm người thì uy tín là điều cần giữ, có vay phải có trả. Việc của bác là phải thoát khỏi tình trạng thâm hụt tài chính càng sớm càng tốt và tiến hành trả nợ.
 
Bước 1: Lên mục tiêu – Xác định rõ số tiền cần trả, phân chia thành các nhóm nợ và ưu tiên (theo lãi suất, theo mức độ, có thể thương thảo về lãi suất hay lịch trả nợ được hay không?
 
Bước 2: Xác định và loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho quá trình trả nợ (Chi tiêu quá đà, thiếu tập trung vào công việc chính dẫn đến nguồn thu không đủ tốt)
 
Bước 3: Lập kế hoạch trả nợ
 
Bước 4: Hành động một cách kỷ luật
 
Bước 5: Lập lại bước 2, 3, 4 liên tục để đạt được mục tiêu là trả xong nợ và thoát khỏi thâm hụt tài chính.
 
Lời khuyên về đầu tư, giao dịch:
 
– Chấp nhận rủi ro (rủi ro tài chính, rủi ro tinh thần)
 
Khi đầu tư hay giao dịch, rủi ro tài chính là cái dễ xác định (Chỉ là số, dùng công thức toán là tính được)
 
Nhưng những rủi ro tinh thần là cái khó xác định được và nếu bạn không xác định được tức là bạn không chấp nhận rủi ro.
 
Không chấp nhận rủi ro => không chấp nhận mình sai => sợ hãi, tâm lý muốn gỡ gạc => mất đi sự khách quan cần thiết => 1 loạt các quyết định sai lầm.
 
– Biết kiềm chế
 
Sự thiếu kiềm chế có thể đem đến những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt khi kết hợp với 1 phong độ cao.
Bạn bước vào mùa uptrend, việc có nhiều chiến thắng liên tiếp và dễ dàng sẽ khiến tâm lý ảo tưởng rằng bản thân bạn giỏi trong việc này => chủ quan. Kết hợp với sự thiếu kiềm chế (như all in, vay mượn để gấp thếp ) nó sẽ khiến sự nguy hiểm nhân lên gấp bội.
 
– Xây dựng cho mình bộ nguyên tắc và kỷ luật
 
Thị trường tài chính khác với xã hội ở chỗ. Bạn được hoàn toàn tự do
 
Sẽ không có pháp luật, đạo đức hay văn hóa (Các giới hạn và ranh giới để định hướng hành vi) định hướng cho bạn.
 
Tất cả hành động của bạn được quyết định bởi bản thân bạn, thị trường là trung lập.
 
Vậy cái gì sẽ bảo vệ bạn khỏi những tổn thất về mặt tài chính lẫn tinh thần khi thị trường không đi theo hướng bạn mong muốn. Tôi cho rằng đó là nguyên tắc và sự tuân thủ kỷ luật.
 
Tóm lại:
 
– Chấp nhật rủi ro => không sợ hãi
 
– Sự kiềm chế => không tham lam
 
– Nguyên tắc và kỷ luật => sự nhất quán
 
Tôi cho rằng đây là 3 chân kiềng trong tâm lý giao dịch và đầu tư.
 
Với những chia sẻ từ độc giả fanpage và cộng đồng Happy Live, Happy Live tin rằng bạn đã nhận ra bài học sau thời gian đầu tư thua lỗ. 
 
Việc đầu tư vào một thị trường bạn không am hiểu, cực kỳ rủi ro. Tiếp đó là khoản lãi vay – gốc phải trả sau khi vay nợ và công việc hiện tại. 
 
Bước đầu, bạn hãy cố gắng làm tốt công việc bạn đang làm. Sau đó, hãy liên hệ thêm những đơn vị cùng ngành và gửi lời mời hợp tác để có thể kiếm thêm thu nhập từ chuyên môn. Cuối cùng, bạn cần đàm phán cũng như có kế hoạch trả nợ cho khoản tiền bạn đã vay!
 
Nếu bạn làm sớm một ngày, bạn sẽ tiết kiệm được một ngày và Happy Live tin rằng bạn sẽ trả hết nợ cũng như sẽ xây dựng được một lộ trình tiết kiệm – kiếm tiền – đầu tư hợp lý. 
 
Khi bạn không hiểu một điều gì đó, hãy chủ động tìm hiểu, học tập và tích lũy!
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam, về dài hạn được đánh giá là một thị trường tiềm năng và hấp dẫn. Hãy tích lũy tài chính và nắm bắt cơ hội đầu tư, bạn nhé!

 

Happy Live Team.
? Gửi tâm sự ở đây nè: bit.ly/goc-tam-su-happylive
Bài viết TÂM SỰ ĐẦU TƯ – Ở đây chỉ có những tâm sự về đầu tư, không có đúng, không có sai và không ai phán xét bạn: bit.ly/tam-su-dau-tu-happy-live

TÂM SỰ ĐẦU TƯ

Các viết cùng chủ đề