3 xu hướng marketing chủ đạo trong năm 2022
2022 vẫn sẽ là một năm khó lường và bí ẩn. Bởi vậy, những xu hướng marketing mới sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện được một kế hoạch marketing vừa tối ưu lại vừa linh hoạt.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khó lường, nhưng chân dung người tiêu dùng Việt Nam đã không còn như trước. Hàng loạt xu hướng mới ra đời trong năm qua như vũ trụ ảo Metaverse, NFT, sự di cư lên nền tảng số, thanh toán online,… tất cả đều diễn ra trên Internet và thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Trước bối cảnh đó, Adsota đã cập nhật 3 xu hướng giúp doanh nghiệp linh hoạt thay đổi trong cách làm marketing, để bứt phá trong thời kỳ đầy biến động.
Content Marketing: Video ngắn và Nội dung dạng âm thanh
Với khả năng thu hút tương tác ấn tượng của nội dung Video trong năm qua, Adsota dự đoán hình thức này vẫn tiếp tục được người tiêu dùng đón nhận trong năm 2022.
Do đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất video theo nhiều thể loại như ngắn/dài, Webinar, Livestream,… để “câu kéo” tối đa lượt xem trên các nền tảng số. Đặc biệt, thể loại video ngắn sẽ là “miếng mồi ngon” để thu hút khách hàng tiềm năng.
Từ thành công vượt bậc của Tiktok trong năm qua, nhiều “gã khổng lồ” như Youtube và Instagram đã cập nhật ngay tính năng mới (Youtube Short và Instagram Reels) khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung sản xuất nhiều hơn dạng nội dung video ngắn.
Bên cạnh đó, nội dung dạng âm thanh cũng được dự đoán sẽ là dạng nội dung nổi bật trong năm tới. Theo National Public Media, lượng người nghe nội dung âm thanh đã tăng tới 30% trong 6 năm qua. Trong đó, có tới 86% người nghe là Gen Y và Gen Z.
Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của các nền tảng âm thanh như Spotify, hay mới đây là OnMic (gọi vốn thành công vòng hạt giống chỉ sau 6 tháng xây dựng),… tất cả cho thấy người tiêu dùng online đang ngày càng thích thú với dạng nội dung âm thanh.
Influencer Marketing: Nhỏ hơn, lâu hơn và chuyên biệt hơn
Sự chuyển dịch khổng lồ từ offline sang online và những biến động lớn trong nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng năm qua đã trở thành “cú hích” không nhỏ giúp Influencer Marketing phát triển mạnh mẽ.
Chưa kể xu hướng “Sao kê từ thiện” bùng nổ khắp nơi, khiến không ít người tiêu dùng và doanh nghiệp trở nên “dè chừng” hơn với các KOL và Influencer lớn.
Sự quan tâm của họ lúc này chuyển sang những người ảnh hưởng nhỏ (Micro, Nano Influencer) và chuyên biệt hơn như Gaming Influencer, Food Blogger, Travel Blogger, Beauty Blogger,…
Adsota dự đoán, trong năm tới, nhãn hàng nên tiếp tục phối hợp cùng Influencer Marketing trong các chiến dịch truyền thông điều hướng người tiêu dùng, đặc biệt trước bối cảnh người tiêu dùng giờ đây tín nhiệm thông điệp từ Influencer hơn nhãn hàng.
Họ dễ bị ảnh hưởng bởi những người quen biết, gần gũi, giao lưu với họ hàng ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài. Điều này lại là thế mạnh của Micro và Nano Influencer.
Xây dựng cộng đồng cho thương hiệu
Dịch bệnh giống như 1 cơn bão lớn càn quét lòng trung thành của khách hàng. Họ “xa rời” nhãn hàng không phải vì sản phẩm/dịch vụ không tốt mà vì thương hiệu không đủ “thân” với họ trong thời kỳ “bình thường mới”.
Người tiêu dùng giờ đây ồ ạt “di cư” lên nền tảng số. Lúc này, sự tương tác và cảm giác thân thuộc trước đây giữa họ và nhãn hàng đã thay đổi. Vì vậy, xây dựng cộng đồng sẽ là giải pháp hàng đầu giúp nhãn hàng tái kết nối với khách hàng hiệu quả.
Một số hoạt động nhãn hàng có thể cân nhắc triển khai để xây dựng cộng đồng cho thương hiệu như: chia sẻ giá trị kiến thức/cuộc sống, chia sẻ thông tin sản phẩm/dịch vụ, tổ chức sự kiện, tổ chức các mini games hay những cuộc thi có thưởng, hoặc những cuộc bình chọn ý kiến, kích thích tranh luận từ người tiêu dùng,…
Những hoạt động này nên được duy trì thường xuyên và tránh sự hiện diện của thương hiệu quá nhiều. Bởi mục đích chính khi xây dựng cộng đồng là tạo sự kết nối sâu sắc giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng, chứ không phải bán hàng.
Nguồn: The Leader
Có thể bạn quan tâm: MARKETING GIỎI PHẢI KIẾM ĐƯỢC TIỀN –
Quyển sách được viết bởi cựu CMO Coca-Cola Sergio Zyman