fbpx

Bắt nạt nơi công sở: Đừng cho phép kẻ bắt nạt dễ dàng chiến thắng

Bắt nạt nơi làm việc xảy ra khi một người hoặc một nhóm người cố ý gây đau đớn hoặc gây tổn hại cho người khác tại nơi làm việc. Bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp, có những kẻ bắt nạt tại nơi làm việc có thể ngụy trang hành vi của họ tinh vi đến mức nạn nhân đôi khi không thể nhận ra hoặc coi đó là lỗi lầm của mình.

Nếu đúng như vậy, trước tiên hãy nhớ rằng đó không phải là lỗi của bạn.

1. Nhận diện hành vi bắt nạt nơi công sở

Bắt nạt có thể đến từ :

    • Lời nói: đồn thổi, mỉa mai, hạ thấp, giễu cợt hoặc thậm chí đe dọa…
    • Hành động: soi mói, phớt lờ, cô lập, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, tấn công qua email, điện thoại hoặc làm tổn hại thân thể, phá hoại hoặc cản trở công việc…
    • Thể chế công ty: Ép buộc, phạt vô căn cứ, đặt ra các mục tiêu không thực tế. Thậm chí giáng chức, sa thải không lý do.….

2. Tại sao lại có nạn bắt nạt nơi công sở?

Mặc dù có nhiều lý do tại sao những kẻ bắt nạt chọn nhắm mục tiêu vào một số người nhất định, nhưng hành vi của họ thường được thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát cá nhân.

Bắt nạt nơi công sở: Đừng cho phép kẻ bắt nạt dễ dàng chiến thắng

Thể hiện quyền lực

Đơn giản là những người này thích thể hiện quyền uy của họ với người khác. Hành vi này thường là do sếp, cấp quản lý cao hơn của bạn thể hiện. Bắt nạt từ người quản lý có thể liên quan đến việc lạm dụng quyền lực, bao gồm các đánh giá tiêu cực về hiệu suất với lý do không chính đáng, la hét hoặc đe dọa sa thải, từ chối quyền lợi hoặc thuyên chuyển bộ phận không lý do.

Sự đố kỵ

Đôi khi những kẻ bắt nạt tại nơi làm việc nhắm vào đồng nghiệp của họ vì ghen tị. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi điểm mạnh và thành tích của mục tiêu hoặc không an toàn về khả năng của chính mình. Do đó, nạn nhân được nhắm đến vì họ là những người lao động giỏi và nhận được nhiều phản hồi tích cực hoặc sự chú ý từ những người khác trong công ty. Những kẻ bắt nạt tại nơi làm việc cũng muốn hủy hoại danh tiếng của nạn nhân và điều này khiến họ thấy an ủi bản thân.

Bản chất nóng tính, bốc đồng

Kẻ bắt nạt không có khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Những người này có thể rất nóng tính, thích la hét và thậm chí đôi khi sử dụng những từ ngữ thô tục. Những kẻ bắt nạt này có xu hướng xúc phạm trực tiếp và nhận xét tiêu cực. Họ cũng có thể chiếm ưu thế trong các cuộc họp với những bình luận chỉ trích và châm chọc đối phương.

“Văn hóa” có sẵn

Việc bắt nạt có thể đã và đang diễn ra liên tục, có hệ thống. Môi trường cho phép những người này được tuyển dụng ngay từ đầu và sau đó “dung túng” các hành vi xấu. Vô hình chung, mọi người sẽ coi đó là chuyện bình thường và không ý thức được bản thân đang bắt nạt người khác.

3. Tác động của bắt nạt nơi làm việc

Trên thực tế, bắt nạt tại nơi làm việc thường được gọi là “bệnh dịch thầm lặng”. Nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của nạn nhân.

    • Bạn có thể gặp các chấn thương về thể chất; rối loạn ăn uống và các vấn đề về đường tiêu hóa; huyết áp cao. Mất ngủ và đau đầu.
    • Các tác động tâm lý của hành vi bắt nạt có thể bao gồm: căng thẳng và lo lắng; mất hứng thú với công việc và cuộc sống; tăng nguy cơ trầm cảm; thậm chí có người còn nảy sinh ý nghĩ tự tử.
    • Không chỉ vậy, điều này còn ảnh hưởng tới hiệu suất công việc, tạo ra môi trường làm việc không lành mạnh dẫn đến những hậu quả lớn về mặt tài chính cho doanh nghiệp.

Bắt nạt nơi công sở: Đừng cho phép kẻ bắt nạt dễ dàng chiến thắng

4. Đối phó với bắt nạt tại nơi làm việc

Đối mặt

Hãy tìm hiểu vấn đề và đối tượng bắt nạt. Nếu bạn biết rõ ai đang bắt nạt mình, hãy đi cùng nhân chứng đáng tin cậy và có cuộc nói chuyện thẳng thắn, yêu cầu họ dừng lại. Một cách bình tĩnh và lịch sự.

Thu thập bằng chứng

Hãy ghi chép lại những thông tin như về ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao những điều xảy ra kèm theo đó là các bằng chứng nhưng ghi âm, quay phim đoạn hội thoại. Nếu hành vi bắt nạt xảy ra trong email, tin nhắn hoặc thư từ, hãy lưu trữ các bản sao.

Có thể bạn sẽ cần cả những nhân chứng chứng kiến sự việc.

Nghiên cứu chính sách bảo vệ nhân viên của công ty

Hãy tìm hiểu xem công ty của bạn có chính sách về bắt nạt, ngược đãi, lạm dụng…

Đồng thời, hãy cân nhắc việc tìm kiếm lời khuyên pháp lý để xác nhận xem liệu tình huống của bạn có đủ tiêu chuẩn là hành vi quấy rối và có thể truy tố pháp lý hay không.

Báo cáo với cấp quản lý

Hãy đến gặp bộ phận nhân sự hoặc người quản lý của bạn với bằng chứng đã chuẩn bị, đặc biệt là bằng chứng chứng minh ảnh hưởng xấu của kẻ bắt nạt đối với doanh nghiệp như doanh số đi xuống, chỉ ra số kinh phí của việc tiêu hao cho việc thay thế nhân viên, sự sa ngã của nhân viên dưới quyền, vắng mặt không có lý do và sự sụt giảm hiệu suất làm việc. Và gửi đơn khiếu nại chính thức.

Nếu sếp của bạn là người bắt nạt hoặc dung túng cho kẻ bắt, hãy đánh giá các mối quan hệ và tình hình cụ thể trong công ty. Tìm ra người đáng tin cậy và có quyền lực cao hơn có thể giải quyết được vấn đề.

Bắt nạt nơi công sở: Đừng cho phép kẻ bắt nạt dễ dàng chiến thắng

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nói chuyện với những người thân yêu, bạn bè của bạn về hành vi bắt nạt cũng có thể hữu ích. Tốt hơn cả, hãy tìm “đồng minh” từ những đồng nghiệp, những người có kinh nghiệm về vấn đề này.

Tìm kiếm hướng dẫn pháp lý từ các luật sư. Tùy thuộc vào hoàn cảnh của vụ bắt nạt, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được việc truy tố theo pháp luật, nhưng các luật sư có thể đưa ra lời khuyên cụ thể để giúp bạn đối phó.

Chăm sóc bản thân ngoài giờ làm việc

Bắt nạt có thể gây thiệt hại rất lớn cho bạn trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Hãy cố gắng cân bằng, ưu tiên chăm sóc bản thân, sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

Lựa chọn lối sống lành mạnh, tập thể dục và ăn uống đúng cách. Dành thời gian cho những sở thích cá nhân làm cho bạn hạnh phúc.

Tìm kiếm một công việc mới

Nếu bạn quyết định rời đi, điều đó không sao. Cuối cùng, lòng tự trọng, phẩm giá và sức khỏe của bạn quan trọng hơn rất nhiều so với tiền lương mà bạn nhận được.

5. Phải làm gì nếu bạn thấy người khác bị bắt nạt

Nếu bạn nhìn thấy hành vi này nơi công sở và im lặng cho rằng đó không phải việc của mình, điều này cũng có nghĩa là bạn đang tiếp tay cho hành động xấu xảy ra.

Đừng ngần ngại, hãy:

    • Ở gần đồng nghiệp khi có thể, giúp giảm thiểu các trường hợp bắt nạt xảy ra
    • Hỗ trợ nạn nhân bằng cách trở thành nhân chứng nếu họ yêu cầu. Bạn cũng có thể giúp đỡ bằng cách đến gặp bộ phận nhân sự với đồng nghiệp của mình.
    • Lắng nghe những chia sẻ khó khăn từ nạn nhân.
    • Báo cáo sự việc lên cấp quản lý.

Hoặc nếu bạn không muốn một mình đối đầu, hãy tìm một “liên minh” đấu tranh với hành vi bắt nạt nơi công sở.

Happy Live Team

Nguồn: her.vn

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách TRỞ THÀNH “ÁT CHỦ BÀI” CÔNG SỞ 

 

ĐẶT MUA NGAY

Các viết cùng chủ đề