Charlie Munger: “Hầu hết mọi người đều tính toán quá nhiều và tư duy quá ít”
Tỷ phú Charlie Munger có góc nhìn thế giới khác hẳn người thường. Áp dụng các mô hình tư duy đa dạng giúp ông kiểm soát tốt bản thân, kiểm soát công việc và đạt được những thành công đỉnh cao.
Chắc hẳn bạn đã không còn xa lạ với cái tên Warren Buffett. Ở trên đỉnh của thành công, Buffett vẫn không quên khen ngợi người bạn thân luôn đứng sau ông – Charlie Munger: “Charlie đã mở rộng tầm nhìn của tôi, ông ấy giúp tôi tiến hóa từ “đười ươi” thành người với một tốc độ phi thường. Nếu không có Charlie, tôi sẽ không có ngày hôm nay.”
Đó chính là Charlie Munger trong mắt Buffett.
Trong 46 năm qua, Warren Buffett và Charlie Munger đã cùng nhau tạo nên những kỷ lục và huyền thoại trong lịch sử đầu tư, với tỷ suất lợi nhuận kép trung bình hàng năm ai cũng mơ ước.
Tại sao họ có thể đạt được thành công vang dội như vậy?
Theo tỷ phú Charlie, nguyên nhân dẫn đến sự thành công chính là “cách suy nghĩ, tư duy”. Thế giới trong mắt Charlie khác hẳn thế giới trong mắt người thường. Ông không bao giờ nhìn mọi thứ từ một góc độ duy nhất: “Mọi thứ đều bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nếu bạn muốn giải quyết vấn đề và thu được lợi ích, bạn có nắm vững cho mình nhiều cách tư duy khác nhau.”
Dưới đây là 3 mô hình tư duy dẫn tới thành công mà tỷ phú Charlie Munger đã áp dụng trong suốt cuộc đời mình:
1. Charlie Munger và Mô hình tư duy “thay đổi”
“Trong cuộc đời dài đằng đẵng của tôi, mặc dù tôi đã gặp phải nhiều vấn đề, nhưng “trợ thủ” đắc lực nhất của tôi chính là khả năng không ngừng học hỏi”, Charlie Munger.
Nếu bạn quan sát quỹ đạo bay của một chuyến bay, bạn sẽ thấy rằng đường bay của nó chưa bao giờ ổn định trong suốt lộ trình. Nếu bạn ngồi gần cửa sổ hạ quan sát kỹ mép cánh, bạn sẽ nhận thấy cánh liên tục nổi lên xuống để điều chỉnh đường bay. Sau khi hoàn thành một chuyến bay, dữ liệu ghi lại trên phần mềm máy bay cho thấy hệ thống lái tự động thực hiện hàng nghìn phép tính mỗi giây để điều chỉnh độ lệch giữa đường bay thực tế và đường bay định sẵn.
Sự điều chỉnh của chiếc máy bay này là “mô hình tư duy thay đổi” của Charlie. Sai lệch, không thỏa đáng, biến đổi là những điều thường thấy trong cuộc sống, đừng để bị vướng vào những được mất nhất thời. Việc chúng ta phải làm là không ngừng thay đổi và học hỏi để không đi quá xa lộ trình chính của cuộc đời.
Đối với ô tô cũng vậy, nếu bạn buông vô lăng thì rất có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm.
Cuộc sống, gia đình, sự nghiệp, mọi thứ xung quanh chúng ta đều vận hành giống như lái máy bay và ô tô.
Bạn đã lập ra kế hoạch, ý tưởng và mục tiêu… nhưng nếu bạn không điều chỉnh lại tư duy của mình để tạo nền tảng cho bản thân, bạn sẽ nản lòng và bắt đầu có ý nghĩ bỏ cuộc.
“Mô hình tư duy thay đổi” cho phép chúng ta có năng lực chống lại những biến cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết mọi người đều không hiểu cách tư duy này, họ luôn nghĩ mọi thứ theo hướng quá tích cực hoặc quá tiêu cực.
Trong một cuộc hôn nhân tưởng như viên mãn, cả hai vợ chồng đều là người tài giỏi và xinh đẹp. Tuy nhiên, chỉ vì cách bóp kem đánh răng khác nhau, vì sự so bì khi về quê thăm ba mẹ ngày lễ, vì quan niệm tiêu dùng khác nhau… cuối cùng dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Đây là một trường hợp điển hình của việc đánh giá sai mục tiêu chung.
Thế nên, dù đối mặt với công việc hay cuộc sống, bạn phải luôn biết biến đổi tư duy của mình và không ngừng nâng cấp bản thân. Kiểm soát tốt công việc, kiểm soát tốt tâm trạng xấu của bản thân, chính là kiểm soát tốt cuộc đời của chính mình.
2. Charlie Munger và Mô hình tư duy hệ thống
“Bạn hãy đặt kinh nghiệm của mình vào một chiếc khung được ghép từ nhiều mảnh ghép tư duy và treo nó trong tâm trí bạn”, Charlie Munger.
Nhiều người luôn giữ một tầm nhìn rất cố định về thế giới xung quanh. “Anh ấy cũng chỉ là một nhân viên mà thôi.” “Anh ấy không có năng lực đâu.” “Công ty này sắp sập rồi.” Chúng ta luôn nhìn vào bề ngoài nhất thời của sự vật mà đánh giá mọi thứ của sự vật đó.
Tuy nhiên, trước khi Buffett và Munger đầu tư vào một công ty, họ sẽ suy nghĩ kĩ càng về không gian thị trường và sự phát triển của công ty đó trong 20-40 năm tới. Điều này đã thể hiện chìa khóa của “mô hình tư duy hệ thống”: sự lưu động.
Ví dụ: Trong một công ty, nhân viên cũ là nguồn dự trữ nhân tài của công ty đó; nhân viên mới là nguồn vào của dự trữ; còn những nhân viên đã về hưu, từ chức hoặc bị sa thải là nguồn ra của dự trữ.
Trong vườn, những quả táo đã chín là nguồn dự trữ; những quả táo đang trong quá trình thu hoạch là nguồn vào của dự trữ; những quả táo bị thối hoặc rụng trước khi hái là nguồn ra của dự trữ.
Chỉ khi bạn sử dụng “tư duy có hệ thống” để nhìn nhận thế giới xung quanh, bạn mới có thể xem xét những thay đổi của sự vật và những ảnh hưởng của chúng đối với bạn theo hướng ba chiều và kỹ lưỡng hơn.
Theo tư duy hệ thống, vấn đề duy nhất chúng ta cần giải quyết là: luôn duy trì sao cho tổng nguồn vào lớn tổng nguồn ra.
Khi bắt đầu áp dụng “mô hình tư duy hệ thống” này vào cuộc sống và công việc, bạn sẽ phát hiện mình không còn nhìn nhận sự việc chỉ qua bề nổi của nó nữa, mà bạn đang dần trở nên cầu tiến và tích cực hơn.
3. Charlie Munger và Mô hình tư duy “vô vị”
Thế giới tài chính dưới lăng kính của các phương tiện truyền thông là: Một nhân viên môi giới chứng khoán trong bộ vest chỉn chu, áo sơ mi, cà vạt và giày da, tay áo xắn lên, hét vào điện thoại, khiến cho bầu không khí rất căng thẳng. Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng các doanh nhân nổi trận lôi đình, có người thì nắm cổ áo người khác hét lên điên cuồng, còn có người thì nắm chắc phần thắng ung dung trên bàn họp…
Thế nhưng có một sự yên bình hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng trên. Tại thành phố Omaha, trong một văn phòng thiếu ánh sáng trên tầng 14 của một tòa nhà tầm thường, có một người đàn ông ăn mặc giản dị đang ngồi trước một chiếc bàn kiểu cũ với chiếc điện thoại được đặt trên bàn. Người đàn ông đã ngồi ở chiếc bàn đó gần 50 năm, ông ấy chính là thiên tài đầu tư chứng khoán Warren Buffett.
Trong sự tương phản rõ rệt ở trên, một công cụ tư duy tuyệt vời mà Charlie khuyên dùng là: mô hình tư duy “vô vị”. Bộ não của chúng ta thích những thông tin ngắn hạn, nhanh chóng và có tính kích thích cao, đồng thời phản ứng mạnh mẽ với những thay đổi tức thời.
Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng bỏ qua sự thay đổi liên tục. So với sự bền bỉ, bình tĩnh và chờ đợi, chúng quan tâm đến sự bận bịu và tính năng nổ hơn.
Thế giới thực hoàn toàn trái ngược với sở thích của chúng ta. Dữ liệu cho thấy: Những người thực sự tài giỏi trong kinh doanh không hề có cuộc sống ly kỳ hay những cuộc phiêu lưu kỳ diệu như trong tiểu thuyết, ngược lại đa số họ đều có cuộc sống tẻ nhạt. Họ tu dưỡng tâm tính trong sự nhàm chán, tích lũy kiến thức trong sự tẻ nhạt, và giữ bình tĩnh trong sự vô vị.
Thế nên, muốn gặt hái được thành công to lớn, bạn phải chịu đựng được sự vô vị.
Quá trình này giống như làm bánh, bột nở hoạt động rất chậm, và mẻ bánh ngon nhất được thu hoạch sau khoảng thời gian dài chờ đợi.
Như Charlie Munger đã nói: “Bạn không cần phải cực kỳ thông minh, bạn chỉ cần thông minh hơn người khác một chút, rồi duy trì lợi thế này mãi mãi, thế là đủ rồi. Nhưng hầu hết mọi người đều tính toán quá nhiều và tư duy quá ít.”
Nếu trước đây bạn chưa biết về mô hình tư duy “thay đổi”, mô hình tư duy “hệ thống” và mô hình tư duy “vô vị” thì cũng chẳng sao. Sau khi đọc xong bài viết hôm nay, bạn hãy ghi nhớ 3 cách tư duy này trong lòng. Khi áp dụng các kiểu tư duy này vào cuộc sống, bạn sẽ hiểu được sức mạnh và giá trị của chúng
Nguồn: CNBC, Insider
Có thể bạn quan tâm
Damn Right! – Tác giả Janet Lowe
Những bài học “đắt giá” của bậc thầy Charlie Munger
Cánh tay phải của Warren Buffett