“Hãy bàn ý tưởng đầu tư với những người không có thù oán cá nhân” – Guy Spier
Theo Guy Spier, không phải ai chúng ta cũng có thể chia sẻ về các ý tưởng đầu tư được. “Người thích hợp nhất để bàn về các vụ đầu tư không chỉ thông minh mà còn phải có khả năng không đem cái tôi vào trong buổi nói chuyện.”
(*) Bài viết được trích từ sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“ – Guy Spier. (Đặt sách tại đây)
Cùng tìm hiểu 8 nguyên tắc đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả của Guy Spier:
Phần 1: Nguyên tắc đầu tiên: Ngưng kiểm tra giá cổ phiếu
Phần 2: Nguyên tắc thứ 2: Đã là nhà đầu tư thì đừng cố mua cổ phiếu người khác bán cho mình
Phần 3: Nguyên tắc thứ 3: Không nên nói chuyện với Ban Điều Hành nếu không muốn lạc vào mê cung
Phần 4: Nguyên tắc thứ 4: Tuân thủ trình tự nghiên cứu đầu tư
Nguyên tắc 5: Bàn ý tưởng đầu tư chỉ với những người không có thù oán cá nhân với bạn
Nói đến đây có vẻ như tôi giống kiểu lập dị sống ẩn dật với thế gian và trưởng giả đến đáng khinh – từ chối nói chuyện với CEO, các nhà phân tích bên bán, hay bất kỳ ai khác trong thế giới sales. Nhiều người trong số họ là những công dân vô cùng đáng mến và khả kính, cũng có những món nợ phải trả và những đứa trẻ thiên thần phải nuôi dưỡng. Nhưng, trong mắt tôi, mục đích bán hàng tiềm ẩn của họ là một lỗi chết người. Vậy có ai đó mà tôi thực sự vui vẻ để chia sẻ về các vụ đầu tư tiềm năng chăng? Đó là một câu hỏi hay. Rất cảm ơn người đã hỏi câu này.
Nếu tôi muốn hỏi thăm ý kiến của người khác (và tôi vẫn thường làm thế), tôi nhận thấy thật hữu ích khi có ý kiến của một đồng nghiệp đáng tin cậy cùng đứng ở phía người mua. Nhiều năm qua, tôi đã có những buổi thảo luận vô giá với các nhà đầu tư như Nick Sleep, Chris Hohn, Bill Ackman, Steven Wallman, Allen Benello, Ken Shubin Stein, Dante Albertini, Jonathan Brandt, và Greg Alexander. Tất cả những người bạn này đã truyền đạt cho tôi rất nhiều mà không hề có ý dạy dỗ tôi. Theo kinh nghiệm của tôi, người thích hợp nhất để bàn về các vụ đầu tư không chỉ thông minh mà còn phải có khả năng không đem cái tôi vào trong buổi nói chuyện. Kết quả là những cuộc trò chuyện ấy đầy hào hứng và vui tươi, và họ không khuấy động mặt ao tĩnh lặng trong tôi. Càng ngày, người mà tôi nói chuyện nhiều nhất về các khoản đầu tư tiềm năng chính là Mohnish, một phần vì tài năng phân tích thiên bẩm của ông ấy vượt trội mọi người, nhưng phần lớn là vì ông không có bất kỳ ý đồ gì.
Tôi nhận thấy các cuộc trò chuyện về đầu tư hiệu quả nhất khi bám sát vào ba nguyên tắc nền tảng mà tôi vay mượn từ những nhóm như Tổ chức các Chủ tịch Trẻ (Young Presidents’ Organization).
- Đầu tiên, cuộc nói chuyện phải tuyệt đối được bảo mật.
- Thứ hai, không ai được bảo người kia phải làm điều gì vì làm thế chỉ khiến người khác cảm thấy bị phán xét, nên họ sẽ vào thế phòng thủ. Thực sự, tốt hơn hết là bạn đừng nên biết người kia đang nghĩ đến việc bán hay mua cổ phiếu vì biết điều này sẽ làm tâm bạn xao động.
- Thứ ba, các bên tham gia không được có bất kỳ quan hệ làm ăn nào vì điều này sẽ khiến câu chuyện bị bẻ cong do len lỏi vào đó là những ý đồ tài chính lộ liễu hay được ẩn giấu.
Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất trong những cuộc trao đổi kiểu này là sự tin tưởng. Do vậy, không nên đưa ra hành động nào trừ khi đối phương cho phép một cách rõ ràng. Nếu tôi định mua cổ phiếu hay thảo luận về nó với ai khác, tôi cần phải hỏi thẳng xem có được phép làm thế không. Nếu đối phương không cho phép, tôi sẽ không thảo luận.
Mục đích của những cuộc trò chuyện thế này không phải là đạt đến “câu trả lời chính xác” hay khơi lên một cuộc chiến trí tuệ. Đây chỉ là cách để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Để đạt đến mục đích này, tốt hơn hết nên hỏi những câu hỏi mở. Lấy ví dụ, thay vì hỏi công ty sẽ kiếm được gì trong năm tới, hỏi những câu thế này sẽ hữu ích hơn, “Điều gì cần xảy ra để họ thu được nhiều tiền hơn vào năm sau?”
Tôi nhớ một buổi nói chuyện với Shai Dardashti, một quản lý quỹ cho phép tôi chia sẻ những gì chúng tôi đã thảo luận. Khi ấy, cậu ta đang nghiên cứu về K-Swiss, một công ty sản xuất giày thể thao. Tôi đã nghiên cứu khá nhiều về Nike và đã từng thấy ảnh hưởng của hợp đồng tài trợ của Nike với quần vợt và bóng đá. Thay vì bảo với Shai rằng tôi nghĩ K-Swiss là tay chơi bét hạng trong ngày giành, tôi đề nghị cậu ấy liệt kê 20 vận động viên quần vợt hàng đầu, xem ai đang tài trợ cho họ, rồi ước tính xem ai trong số các vận động viên này đang thống lĩnh lượt xem (view) trong thị trường cá lớn nuốt hết này. Trong quá trình này, cậu khám phá rằng K-Swiss chỉ có trong tay một vận động viên trong danh sách, trong khi Nike có đến sáu hay bảy – một chỉ báo cho thấy K-Swiss đối mặt với một trận chiến bất khả thắng lợi để giành lại thị phần từ Nike. Chúng tôi không hề bàn xem Shai đã sở hữu cổ phiếu này hay chưa hay chỉ đang định mua. Nhưng tôi đoán rằng cuộc trò chuyện giúp làm rõ rằng đây không phải là nơi tốt nhất để cậu ấy đầu tư.
Nguyên tắc: Chia sẻ kiến thức với các nhà đầu tư khác, nhưng gắn bó với những người có thể dẹp bỏ cái tôi của mình. Nếu đối phương vô tình là Buffett, Munger, hay Pabrai thì càng tốt.
Đọc thêm tại Chương 10: Những công cụ đầu tư – Xây dựng một quy trình tốt hơn – Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“
Có thể bạn quan tâm: Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier (Hành trình từ một tay “mafia” cò mồi phố Wall trở thành NĐT giá trị chân chính)
Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – The Education of a Value Investor