Phân tích chiến lược marketing của Pharmacity – Bí kíp thành công của “ông trùm” bán lẻ Dược phẩm
Pharmacity không nằm ngoài các tên tuổi uy tín trên thị trường thuốc & bán lẻ dược phẩm, tuy nhiên, với kết quả đạt được từ năm 2022, thương hiệu này tập trung vào phát triển bền vững với chiến lược “ Đổi mới toàn diện” cụ thể tập trung vào 4 mục tiêu chính: Cạnh tranh, nhất quán, trách nhiệm và lợi nhuận. Nhìn lại quá trình để trở thành một trong số những thương hiệu dược phẩm uy tín, được nhiều người lựa chọn tin dùng, Pharmacity đã triển khai nhiều hoạt động tiếp thị bài bản và nhất quán. Vậy họ đã làm gì, mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây.
Tổng quan về Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity
Được thành lập vào tháng 11/2011, Pharmacity đại diện cho một trong những chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đầu tiên tại thị trường Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người Việt. Nhà sáng lập ra Pharmacity là ông Chris Blank – một dược sĩ người Mỹ làm việc nhiều năm tại Việt Nam với mong muốn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đến nay, mạng lưới phân phối của thương hiệu Pharmacity đã có mặt toàn quốc. Đến hết năm 2022, Pharmacity đạt mục tiêu có 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ mang lại cho thương hiệu doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên lên đến hơn 35.000 người. Đây là những con số vừa là thách thức và cơ hội khi FPT và Thế giới di động cũng đang xâm chiếm thị trường nhà thuốc một cách mạnh mẽ với nhiều phương thức marketing độc đáo khác nhau.
Tìm hiểu chân dung Khách hàng mục tiêu của Pharmacity
Mọi người từ người già đến trẻ nhỏ ở các lứa tuổi đều có nhu cầu sử dụng thuốc uống, dược phẩm khi cần thiết. Vì vậy, chiến lược marketing của Pharmacity hướng đến toàn bộ người dân bất kể độ tuổi, giới tính, ngành nghề… khác nhau. Nhưng chú trọng là đối tượng khách hàng trên 18 tuổi khi đã có đủ nhận thức và ý thức về việc mua, bán, sử dụng sản phẩm thuốc không theo chỉ định hoặc dược phẩm.
Điểm đặc biệt ở mô hình kinh doanh của Pharmacity
Chuỗi nhà thuốc tiện lợi Pharmacity là sự kết hợp giữa mô hình nhà thuốc truyền thống với các cửa hàng bán mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp hiện đại. Với phương châm, sự an toàn của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu, Pharmacity chú trọng đến chất lượng từng nhà thuốc cũng như hoạt động, vận hàng của chuỗi nhà thuốc này. Từ khâu kiểm tra hàng hoá, sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đến đội ngũ dược sĩ có trình độ chuyên môn. Mỗi nhà thuốc đều vượt qua quá trình kiểm định GPP (Thực hành tốt nhà thuốc) của Sở Y Tế. Diện tích của mỗi cửa hàng Pharmacity trong khoảng từ 12m2 đến 90m2, tập trung ở khu vực đông dân cư với đầy đủ và đa dạng các sản phẩm về dược phẩm, đông y, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, bách hoá, đồ tiêu dùng…
Chiến lược Marketing của Pharmacity có gì đặc biệt?
Áp dụng thành thục Chiến lược STP
Chiến lược STP là viết tắt của ba chữ: S – Segmentation (Phân khúc thị trường), T – Target (Mục tiêu), P – Position (Định vị). Pharmacity đã có những lựa chọn riêng biệt khi áp dụng chiến lược STP trong quá trình marketing, truyền thông như sau:
*S – Segmentation: Lựa chọn phân khúc thị trường
Pharmacity phân chia theo khu vực địa lý, đặc điểm xã hội và theo tâm lý, hành vi của người tiêu dùng. Cụ thể như sau:
– Khu vực địa lý: Pharmacity tập trung cho thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam. Ở thị trường nội địa, Pharmacity tập trung ở khu vực thành phố là chủ yếu, nơi có nhu cầu tiêu dùng và mua sắm lớn.
– Đặc điểm xã hội: Dược phẩm là sản phẩm thiết yếu của mọi người, không phân biệt giới tính, hành vi, độ tuổi…
– Tâm lý, hành vi của người dùng: Dược phẩm là ngành đặc thù bởi tính chất ảnh hưởng đến sức khoẻ và cơ thể của người tiêu dùng. Chính vì vậy, khách hàng luôn có xu hướng lựa chọn nhà thuốc uy tín, an tâm, có thương hiệu và cũng được nhiều người tìm mua.
*T – Target: Thị trường mục tiêu cần xác định rõ ràng
Chiến lược marketing của Pharmacity tập trung vào thị trường bán lẻ dược phẩm nội địa, ở khu vực thành phố và các tỉnh lân cận có tốc độ phát triển cao. Đặc thù của ngành bán lẻ dược phẩm có đối tượng khách hàng rộng khắp, đây là thị trường mục tiêu đã được Pharmacity xác định rõ ràng để tối ưu chi phí và gia tăng hiệu quả bán hàng.
*P – Position: Định vị sản phẩm trên thị trường
Pharmacity định vị trong tâm trí khách hàng là chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đầu tiên ở thị trường Việt Nam. Đến với cửa hàng, khách hàng sẽ được lắng nghe, tư vấn chính xác, trải nghiệm sản phẩm uy tín chất lượng cao trên thị trường về chăm sóc sức khỏe. Pharmacity có khẩu hiệu “Pharmacity – tận tâm phục vụ”, đây chính là kim chỉ nam của mỗi cửa hàng.
Hoạt động Marketing Mix mà Pharmacity áp dụng
*Product (sản phẩm)
Các quản lý chuỗi nhà thuốc của Pharmacity đảm bảo minh bạch, chính xác, rõ ràng từ nguồn gốc thuốc cho đến khâu bảo quản thuốc đúng tiêu chuẩn GSP. Các sản phẩm thuốc đa dạng từ Tây Y đến Đông Y tại Pharmacity được mua trực tiếp từ nhà sản xuất và phân phối chính hãng không thông qua bất kỳ đơn vị trung gian nào. Điều này đảm bảo nguồn gốc thuốc, chất lượng đồng thời đảm bảo giá thành của thuốc tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
*Price (giá)
Pharmacity mua trực tiếp thuốc từ nhà sản xuất vì vậy giá thành sản phẩm tại đây luôn bình ổn và hợp lý. Đồng thời, Pharmacity thường xuyên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi, mua một tặng một… đây là một trong những điều mà ít nhà thuốc khác thực hiện và cạnh tranh lại được.
*Place (Phân phối)
Đến hết năm 2022, Pharmacity đạt mục tiêu có 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Hệ thống trải dài khắp các thành phố lớn, tỉnh thành lân cận, nằm ở vị trí thuận lợi, dễ nhìn, dễ tìm kiếm giúp khách hàng có thể tiếp cận nhanh cửa hàng mỗi khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, các cửa hàng mở cửa bắt đầu từ lúc 6h00 và đóng cửa lúc 23h30 giúp khách hàng thuận tiện hơn khi muốn mua thuốc. Không chỉ phân phối thuốc trực tiếp ở cửa hàng, Pharmacity còn xây dựng trang thương mại điện tử Pharmacity.vn giúp khách hàng có thể đặt hàng mọi nơi trên toàn quốc. Ở kênh online, các chương trình freeship cũng thường xuyên được áp dụng để mọi người có thể thoải mái mua sắm sản phẩm.
*Promotion (Chương trình tiếp thị)
Chiến lược marketing của Pharmacity sử dụng đa dạng nhiều hình thức từ quảng cáo online đến offline trực tiếp tại điểm bán. Các thông tin truyền thông trên báo chí, TVC đến khuyến mãi, quan hệ công chúng… và phương pháp tiếp thị, truyền thông sẽ được giải thích cụ thể hơn trong nội dung tiếp theo dưới đây.
Hoạt động truyền thông ấn tượng của Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity đã áp dụng
Chiến lược marketing của Pharmacity gây ấn tượng với khách hàng nhờ vào những hoạt động truyền thông bài bản, độc đáo sau:
*Mô hình truyền thông
Mô hình truyền thông của Pharmacity được hiểu cụ thể tại các trường thông tin dưới đây:
– Tên công ty: Công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity
– Tên gọi khi thực hiện truyền thông: Pharmacity – Chuỗi nhà thuốc tiện lợi hàng đầu Việt Nam. Cam kết hàng chính hãng, nguồn gốc rõ ràng
– Thông điệp: Pharmacity sử dụng hai thông điệp truyền thông chính là “Pharmacity – tiết kiệm hơn, sống khoẻ hơn” & “Pharmacity – Tận tâm phục vụ”
– Hình thức truyền thông: Pharmacity sử dụng hai hình thức truyền thông online & offline trong các chiến dịch của mình
– Khách hàng mục tiêu mà Pharmacity hướng đến là toàn bộ người dân bất kể độ tuổi, giới tính, công việc… và sẵn sàng nhận mọi phản hồi từ khách hàng qua các kênh truyền thông của mình.
– Sản phẩm và dịch vụ tại Pharmacity luôn đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng, bình ổn giá cả, chất lượng phục vụ luôn được chú trọng.
*Đối tượng truyền thông
Mọi người dân đều có nhu cầu sử dụng dược phẩm và các sản phẩm bổ sung. Vì vậy, đối tượng hướng đến trong chiến lược marketing của Pharmacity là công dân trên 18 tuổi, có ý thức được việc sử dụng dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp…
*Mục tiêu truyền thông
Với hai thông điệp truyền thông xuyên suốt “Pharmacy – tiết kiệm hơn, sống khoẻ hơn” & “Pharmacity – tận tâm phục vụ”, tạo sự uy tín, tăng nhận diện thương hiệu và tạo dựng phương châm truyền thông hướng đến lợi ích của người tiêu dùng.
*Thiết kế thông điệp
Tìm hiểu sâu hơn về hai thông điệp được Pharmacity lựa chọn “Pharmacity – tiết kiệm hơn, sống khoẻ hơn” & “Pharmacity – tận tâm phục vụ”. Các keyword được thương hiệu lựa chọn cũng chính là nhu cầu mà bất kể người tiêu dùng nào cũng coi trọng “sức khoẻ, tiết kiệm & tận tâm”. Pharmacity đã khéo léo sử dụng các từ khóa trong thông điệp này nhằm tạo cảm giác gần gũi, tích cực, đánh đúng nhu cầu và insight của khách hàng.
Thông điệp được thiết kế theo cấu trúc “Pharmacity” xuất hiện đầu tiên và “thông điệp” đi liền phía sau giúp người tiêu dùng dễ nhận diện, tăng cường sự ghi nhớ tới thương hiệu dễ dàng. Đây cũng là một trong những bí quyết về việc lựa chọn ngôn từ và thiết kế thông điệp mà nhãn hàng đã khéo léo lựa chọn.
Lựa chọn phương tiện truyền thông
Với sản phẩm chính về dược phẩm, đặc thù ngành bán lẻ sản phẩm tiêu dùng và dược phẩm, Pharmacity xác định độ phủ trên toàn quốc, đồng thời thực hiện các phương tiện truyền thông báo chí, khuyến mãi, quan hệ công chúng bài bản, thể hiện tính hiệu quả rõ ràng nhất. Một số kênh truyền thông được sử dụng trong chiến lược Marketing của Pharmacity bao gồm:
*Quảng cáo thông qua các kênh báo chí
Từ năm 2018 đến hiện tại, Pharmacity đẩy mạnh truyền thông trên các trang báo điện tử với mục tiêu định vị hình ảnh chuỗi nhà thuốc bán lẻ dẫn đầu thị trường, chất lượng sản phẩm đảm bảo, uy tín, dịch vụ tận tình, nhiều ưu đãi, giảm giá.
*Quảng cáo thông qua TVC ấn tượng
Hình thức quảng cáo thông qua TVC được Pharmacity tập trung tùy theo từng thời điểm, các giai đoạn riêng với nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn. Ví dụ năm 2018, TVC “Mau hết bệnh đến Pharmacity” ra đời với phong cách vui nhộn, ngộ nghĩnh đạt hơn 10 triệu lượt xem trên kênh Youtube của nhãn. Sau sự thành công của TVC này, Pharmacity tiếp tục nhân bản ý tưởng thành “Mua Nat-C Ester và VitaCap đến Pharmacity” & “Mau hết bệnh đến Pharmacity” phiên bản 2 vào tháng 11/2019. Tháng 12/2019, Pharmacity tung TVC “Đến Pharmacity, tiết kiệm hơn, sống khoẻ hơn”. Các clip ngắn gọn hơn cũng thường xuyên được thực hiện và đăng tải trên kênh fanpage và Youtube “Pharmacity Super Drugstore” của thương hiệu và được nhiều người theo dõi, ủng hộ.
*Quảng cáo ngoài trời qua cửa hàng trực tiếp
Quảng cáo ngoài trời trực tiếp ở cửa hàng được thực hiện đồng bộ với màu sắc xanh lam trong nhận diện thương hiệu của Pharmacity kèm theo logo nổi bật. Việc đồng bộ màu sắc và nhận diện giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm được đúng địa điểm. Màu xanh lam là màu sắc đặc trưng của dược phẩm, tạo sự uy tín, tích cực cho khách hàng.
*Quảng cáo trực tuyến
Quảng cáo trực tuyến được Pharmacity thực hiện nhiều nhất trên kênh fanpage và kênh Youtube của nhãn hàng. Kênh fanpage được thành lập từ 2011 và Pharmacity tập trung xây dựng kênh này đến tận bây giờ. Các bài viết về tips, tricks, bí quyết chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ được đăng tải thường xuyên qua kênh thông tin này giúp bạn đọc có thêm kiến thức mỗi ngày.
Kênh Youtube được thành lập vào năm 2018 với tên gọi “Pharmacity Super Drugstore” được Pharmacity đăng tải các TVC quảng cáo, cập nhập chương trình khuyến mãi thường xuyên.
*Khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi
Các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá là một bộ phận quan trọng trong chiến lược marketing của Pharmacity. Công cụ này thực hiện bài bản, thường xuyên, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng và kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm. Một số hình thức được Pharmacity lựa chọn như tặng kèm sản phẩm khi mua hàng, khuyến mại thông qua giảm giá, minigame, các cuộc thi, mã giảm giá qua số điện thoại cá nhân…Mỗi hình thức đều mang đến cho người tiêu dùng cơ hội được mua sản phẩm với giá thành tốt nhất.
Đánh giá sơ lược về hoạt động truyền thông của Pharmacity
Pharmacity được đánh giá là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm hiện đại, với số lượng nhà thuốc truyền thống khoảng 57.000 (chiếm 85% thị trường) và 15% còn lại là nhà thuốc hiện đại, trong đó Pharmacity chiếm khoảng 8%. Việc tiên phong dẫn đầu trong thị trường bán lẻ với chuỗi nhà thuốc hiện đại đầu tiên xuất hiện mang lại nhiều lợi thế về độ nhận diện cao của thương hiệu.
Trong đó, Chiến lược marketing của Pharmacity là một trong những điểm thu hút và giữ chân khách hàng quan trọng nhất. Các hoạt động truyền thông, marketing được Pharmacity thực hiện thường xuyên, xác định rõ ràng mục tiêu, đối tượng, tập trung vào yếu tố con người, lấy khách hàng làm trung tâm trong mọi chiến lược. Định hướng này đã giúp cho phản hồi về dịch vụ, sản phẩm của Pharmacity được đánh giá cao và nhiều người tin tưởng. Kế hoạch chuyển đổi số hoá trong hoạt động truyền thông, marketing kết hợp cùng các chiến lược kinh doanh được thương hiệu thực hiện khéo léo, mang sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng qua các kênh online, hay trực tiếp, đồng thời kết nối cho khách hàng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Kết luận
Chiến lược marketing khéo léo là một trong những động lực quan trọng giúp cho Pharmacity giữ được vị thế hàng đầu trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn chiến lược marketing của Pharmacity và rút ra được những bài học kinh nghiệm đắt giá từ ông lớn này.
Hà An
Nguồn: MarketingAI
Có thể bạn quan tâm